Chủ tịch VNREA: 5 cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam

10:10 26/11/2019

Trong giai đoạn 3 năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh và chuyên nghiệp hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên năm 2019 diễn ra sáng 27/11, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn 3 năm vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và biến động, song nhìn chung, thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn có sự phát triển ổn định, lành mạnh, chuyên nghiệp hơn và đã giảm thiểu các nguy cơ rủi ro so với thời kỳ trước, ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong nền kinh tế và là động lực phát triển cho nhiều ngành, nghề và thị trường khác.

Từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế cũng như khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Các yếu tố này đã khiến doanh thu và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán giảm.

Mặt khác, đa số doanh nghiệp bất động sản Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel không còn sôi động như giai đoạn trước. Ngoài ra, việc thực hiện những quy định về quy hoạch, xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng…, kể cả thủ tục hành chính cũng được siết chặt, cũng làm giảm mạnh các dự án được phê duyệt và triển khai.

Do đó, theo xu hướng của nền kinh tế và như dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam từ cuối năm 2018, thị trường bất động sản đã và sẽ gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong quý III/2019, thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm, nhất là Hà Nội, TP.HCM.

Cụ thể, tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ, nếu so với quý II năm nay, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường ở Quý III đã giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm trước. Ở các tỉnh, thành lân cận với Hà Nội, dù được đánh giá như những “miền đất hứa” nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan.

5 cơ hội lớn của thị trường

Nhận diện những diễn biến trên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã khái quát lên 5 cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Một là, thị trường bất động sản vẫn giữ được sự ổn định, dựa vào các yếu tố tích cực của kinh tế vĩ mô. Tuy còn nhiều khó khăn, song do nỗ lực điều hành chính sách, cải cách kinh tế của Chính phủ ngày một hiệu quả nên đã tạo ra những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 7,02%, vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (6,6 - 6,8%) mà Quốc hội đề ra.

Hai là, nhu cầu về nhà ở của Việt Nam còn rất lớn. Cùng với việc trở thành quốc gia đông dân thứ 15 thế giới, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đồng thời là quốc gia có sự gia tăng nhu cầu về nhà ở tại các khu đô thị hàng đầu trong khu vực.

Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra với tốc độ cao, dân số đô thị sẽ tăng nhanh, nhất là tại các đô thị lớn; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng… dẫn tới hàng năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu mét vuông nhà ở, trong đó khoảng 70% nhà ở để đáp ứng nhu cầu của dân cư đô thị. Mặt khác, nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu thuê căn hộ, khách sạn phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế tại các đô thị lớn cũng như các khu du lịch trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, kể từ giữa 2018 đến nay, thay vì bổ sung thêm nguồn cung, các sản phẩm mới ra thị trường lại tiếp tục theo xu hướng nhỏ giọt. Nhiều khả năng tiếp tục thiếu hàng thời điểm cuối năm 2019 và trong trung hạn (2020 - 2022).

Ba là, dư địa phát triển rất lớn cho phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp. Đây là những điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Có thể nói, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, nhất là trong bối cảnh các bộ ngành và địa phương đang tích cực thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Dự báo, trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 - 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ và khách du lịch trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 - 4 ngày… Việt Nam cần thêm hàng chục ngàn phòng khách sạn cao cấp.

Trong khi đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Thứ tư là, vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng mạnh và ngày một thực chất hơn. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, vốn FDI đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Năm là, sự chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mới. Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, nhờ đó, tổng đầu tư hạ tầng đến nay đã chiếm bình quân hơn 10% GDP, vượt qua cả khối các nền kinh tế Đông Á, vốn nổi tiếng với mức đầu tư cơ sở hạ tầng cao. Chỉ trong vòng 7 năm từ 2012 - 2019, cả nước đã có thêm 838km đường cao tốc mới được đầu tư mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển KT-XH…

5 thách thức song song

Cơ hội là vậy nhưng Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết thị trường bất động sản Việt Nam cũng đối diện với không ít thách thức.

Một là, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả. Thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ Luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, kinh doanh bất động sản...

Hai là, những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm. Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao.

Ba là, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt. Cụ thể: Lãi suất tiếp tục cao (lãi suất huy động lên 8,7%, cộng thêm biên độ 3% thì lãi suất cho vay lên đến 11 - 12%); nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục giảm từ 45% xuống 40%, hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản tăng từ 150% lên 200%… khiến cho ngân hàng phải cẩn trọng hơn trong việc cho vay kinh doanh bất động sản.

Thứ tư là, gần đây, tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến. Nhiều nơi diễn ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý. Việc phân lô bán nền không giải quyết được được sự tích đọng cho quy mô của nền kinh tế mà còn tạo ra sự lệch lạc về quy hoạch cũng như gây ra ách tắc giao thông, gây ra sự lộn xộn lớn cho bộ mặt đô thị.

Năm là, thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường. Theo đó, ở thị trường bất động sản Việt Nam, tính minh bạch thông tin chưa cao đã gây cản trở quá trình đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do chậm thực hiện các giải pháp nhằm minh bạch hoá thị trường bất động sản, kích thích đầu tư. Cụ thể là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin về việc đăng ký và thực hiện các giao dịch bất động sản.

Trước những bất cập đó, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam hy vọng Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên 2019 sẽ tập trung đề cập, thảo luận, làm rõ các vấn đề:

Một là, cung cấp bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2019 và sự phát triển của thị trường giai đoạn vừa qua. Đồng thời, dự báo, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố tác động tới thị trường trong năm 2019 và trung hạn.

Hai là, tập trung phân tích các rào cản, vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2019 và giai đoạn vừa qua để có các biện pháp hỗ trợ, điều chỉnh chính sách kịp thời và cũng đưa ra khuyến nghị để cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động có các giải pháp ứng phó phù hợp, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Ba là, phân tích các xu hướng mới trên thị trường bất động sản Việt Nam như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; bất động sản xanh, thông minh… Nêu lên những kinh nghiệm thực tế về việc phát triển các phân khúc này; đồng thời, trao đổi các kinh nghiệm quốc tế có nhiều khả năng ứng dụng cho Việt Nam.

Ngay sau thành công của Diễn đàn, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tổng hợp hợp đầy đủ thông tin, các ý kiến tham luận và các sáng kiến, giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn nhằm:

Thứ nhất, xây dựng các Văn bản báo cáo Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó kiến nghị và tham vấn về các vấn đề có liên quan nhằm phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, điều hành, tháo gỡ các vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh thị trường bất động sản Việt Nam.

Thứ hai, đưa ra các thông điệp, báo cáo thị trường mang tính khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và từng phân khúc/lĩnh vực của thị trường nói riêng…

Thứ ba, thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông, cung cấp đầy đủ các thông tin về thị trường để cộng đồng xã hội, người tiêu dùng nắm bắt và có quyết định đầu tư hợp lý.

Tác giả: VNREA