“Công trình xanh có chi phí đầu tư thấp hơn công trình bình thường”
17:07 08/06/2020
“Nhìn tổng thể thì công trình xanh có chi phí đầu tư thấp hơn công trình bình thường. Tôi dám khẳng định và chắc chắn về câu trả lời này", KTS Lê Trương, Tổng Giám đốc CTCP kiến trúc xây dựng TTA Partners chia sẻ.
Tại Hội thảo khai mạc Tuần lễ Công trình hiệu quả năng lượng Việt Nam 2018 diễn ra chiều 25/8, các kiến trúc sư đã cùng bàn vấn đề năng lượng bền vững trong lĩnh vực công trình xây dựng tại Việt Nam từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, vận hành và kết thúc vòng đời công trình.
Đáng chú ý là chia sẻ từ KTS Lê Trương, Tổng Giám đốc CTCP kiến trúc xây dựng TTA Partners: “Đã có hàng trăm hội thảo nói về công trình xanh nhưng đến nay, nhận thức của chủ đầu tư về công trình xanh vẫn chưa được thực sự rõ ràng. Bản thân là công ty kiến trúc, chúng tôi đã tự đưa ra khái niệm công trình xanh dưới góc độ tiếp cận là góc nhìn kiến trúc sư để nhà đầu tư dễ hình dung nhất”.
Ông phân tích, thông thường khi gặp chủ đầu tư, họ sẽ đưa ra 3 câu hỏi chính để hỏi kiến trúc sư. Thứ nhất, công trình xanh là gì? Mỗi căn nhà truyền thống ở Bắc Bộ thường có cửa trước lớn, cửa sau nhỏ, mái dốc, hiên rộng...
Điều đó cho thấy kiến trúc xưa đã tích hợp được nhiều yếu tố như mở cửa lớn ở đâu? Mở cửa hẹp thế nào? Mái hiên ra sao để có thể tận dụng được tất cả các yếu tố tự nhiên. Đây cũng chính là một yếu tố xanh mà những ngôi nhà hiện đại đang hướng tới.
Trên cơ sở nhà truyền thống này, ông Trương đưa ra một khái niệm công trình xanh gồm 5 yếu tố: Lớp bọc, hướng gió tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên, nước và sáng tạo không gian. Để hình thành 5 yếu tố này dựa trên hai giải pháp là thiết kế chủ động và thiết kế bị động. Nếu như có thể tận dụng được tất cả các yếu tố thụ động và chủ động sẽ hình thành một công trình xanh tốt nhất.
“Hiện nay, xu hướng nhà cửa đã thay đổi, nhu cầu đòi hỏi kiến trúc cao hơn nhưng vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống "nhà xanh” từ xưa đến nay thì chẳng có lý nào kiến trúc sư không học hỏi tận dụng nền tảng kiến trúc xưa của cha ông”, KTS Trương cho hay.
Ở câu thứ hai, ai sẽ giúp chủ đầu tư làm công trình xanh? Rõ ràng, đây là trách nhiệm của kiến trúc sư là phải đưa ra được cấu trúc về mặt đứng, cấu trúc về không gian tốt nhất của dự án đến chủ đầu tư. Tiếp theo là các kỹ sư, tiếp đến là nhà thầu xây dựng và cuối cùng là các đơn vị quản lý.
Đáng chú ý là câu hỏi thứ 3, chi phí làm công trình xanh có cao hơn công trình thường hay không? Ông Trương khẳng định: “Đây là câu hỏi mà bất kỳ chủ đầu tư nào khi quan tâm đến công trình xanh cũng hỏi.
Tuy nhiên, ở các hội thảo, câu trả lời đều là cao hơn khoảng 5 - 10% thậm chí là cao đến hơn 30%. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhìn một cách tổng thể thì công trình xanh có chi phí đầu tư thấp hơn công trình bình thường. Tôi dám khẳng định và chắc chắn về câu trả lời này. Bởi bằng một cấu trúc giúp tối đa hóa tất cả những giải pháp thiết kế thụ động, tức là chúng ta khai thác hiệu quả tất cả các yếu tố tự nhiên thì tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho xây dựng công trình”.
Theo giới chuyên gia nhận định, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu xanh, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm đến 30 - 40% năng lượng tiêu thụ so với các công trình khác. Đối với các công trình đang hoạt động hoặc sắp cải tạo, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp này thì hiệu quả cũng có thể tiết kiệm tới 25% năng lượng tiêu thụ.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong Chiến lược Phát triển Xanh Quốc gia cũng đã đưa ra các kế hoạch hành động nhằm giảm lượng khí thải nhà kính 8 - 10% (trong giai đoạn 2011 - 2020) so với năm 2010, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trên 1 đơn vị GDP 1 - 1.5% mỗi năm.
Đô thị hóa một cách bền vững là một trong những giải pháp từ chiến lược quốc gia khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng gia tăng đáng kể với sự tăng trưởng của tỉ lệ đô thị chiếm 35.7% trong năm 2015 và dự đoán tăng thêm 6.01% vào năm 2020.
Trong khi đó, Bộ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Công trình Hiệu quả năng lượng (QCVN 09:2017/BXD) đã được ban hành năm 2018 bởi Bộ Xây dựng, cập nhật so với phiên bản QCVN 09:2013/BXD, và được kỳ vọng làm cơ sở áp dụng thực tế để cải thiện môi trường xây dựng bền vững, đặc biệt là các công trình hiệu quả năng lượng.
Đồng thời, Luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và Danh sách các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã thể hiện rằng các cơ sở tiêu thụ năng lượng cần có kế hoạch sử dụng và vận hành có kế hoạch đảm bảo mức tiêu thụ năng lượng hiệu quả và hợp lý.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là công trình cần được thiết kế - xây dựng - vận hành như thế nào để đảm bảo tối ưu hóa tiện nghi cho người sử dụng trong khi tối thiểu tiêu dùng năng lượng của công trình, giảm tác động đến môi trường. Điều này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bên ngay từ giai đoạn đầu trong quá trình hình thành đến khi kết thúc các dự án xây dựng./.