Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Kiến nghị bỏ Khoản 3 Điều 8

10:58 15/12/2018

Đúng 9h30 ngày 14/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - 11A, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ.

12h05: Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kết luận Hội thảo:

Thứ nhất, lợi - hại của Nghị định 20, đặc biệt là khoản 3 điều 8 trong phân tích của TS. Cấn Văn Lực đã nói đến cái lợi - chống chuyển giá, sẽ thu thêm được mấy ngàn tỷ đồng, nhưng bất cập như TS. Lê Xuân Nghĩa đã nói. Bất cập rất rõ, không có cơ sở pháp lý. Gần đây, Quốc hội rất chặt chẽ khi làm Luật thì những điều nào giao cho Chính phủ hướng dẫn cũng quy định, những điều nào không giao Chính phủ hướng dẫn thì không được tự ý hướng dẫn, ở đây không có điều nào nói đến việc này.

Thứ hai là tính pháp lý, các doanh nghiệp nước ngoài không có ý kiến gì nhưng các doanh nghiệp trong nước lại đang ý kiến rất nhiều, vì họ bị ảnh hưởng lớn.

Sau khi nhận được ý kiến từ các doanh nghiệp, tháng 7/2018, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có kiến nghị gửi lên Thủ tướng. Đến hôm nay, quyết định tổ chức hội thảo, tạo lập diễn đàn cho chuyên gia, doanh nghiệp. Rõ ràng, Nghị định 20 có các vấn đề về tính hợp pháp và tính hợp lý. Cho nên như TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, chúng ta cần tiếp tục đưa ra kiến nghị.

Kiến nghị đầu tiên là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20. Thứ hai là kiến nghị hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc kiến nghị quy định giao dịch liên kết là chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới. Chúng ta sẽ phân tích các số liệu đã có rồi đi đến kiến nghị, dự thảo văn bản, xin ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh và gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quốc hội...

Nhân dịp này, tôi kỳ mong các cơ quan báo chí - truyền thông sẽ tiếp tục phản biện chính sách và chỉ ra những bất cập trong Nghị định 20 nói riêng, cũng như phản ánh những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

(Thực hiện: Đỗ Linh)

11h10: Tọa đàm

Chương trình Toạ đàm với sự tham gia của bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam; bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - VTCA; chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh; TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; đại diện doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - điều phối Toạ đàm:

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu ý kiến:

Mong Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia, doanh nghiệp cùng phối hợp tìm ra hướng tốt nhất. Liên quan đến Nghị định này, tôi có 3 ý kiến:

Thứ nhất, Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Bãi bỏ theo quy định của luật thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật?

Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.

Thứ ba, nói về tính hợp lý, như đã phân tích hạn chế như thế nào, áp dụng ra sao bởi cần phải tính đến tính hợp pháp, tính hợp lý. Tôi đặt câu hỏi, tại sao rất nhiều người giỏi trong lĩnh vực thuế mà vẫn đặt ra Nghị định như thế này?

Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách... cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp.

Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường. Đó là một số ý kiến của tôi kiến nghị tại Hội thảo ngày hôm nay.

Đại diện Tập đoàn Masan nêu kiến nghị:

Có 1 hoạt động mũi nhọn mà Masan đầu tư là nông nghiệp. Nhà nước đang có chính sách ưu đãivào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chúng tôi hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Thực tế, các công ty con không đủ uy tín, vốn nên các công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn. Công ty mẹ đứng ra ký hợp đồng tín dụng và phân bổ cho công ty con. Mà bản thân đầu ra của nông nghiệp thực chất không ổn định, được mùa rớt giá là chuyện rất bình thường.

Với Nghị định 20, như đề xuất được trao đổi hôm nay tôi thấy, các chuyên gia chỉ đề xuất miễn trừ cho doanh nghiệp cùng thuế suất, nhưng khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, nhưng công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con. Với trường hợp như vậy thì sao?

Nhìn trên góc độ tập đoàn, vốn đó là vốn vay của công ty mẹ. Do đó, Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 là bất hợp lý. Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư nông nghiệp đã bị loại bỏ. Tôi cho rằng không nên nói các doanh nghiệp có cùng thuế suất mới được miễn trừ, cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không?

Nghị định 20 không được nằm ngoài Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nó vẫn phải nằm trong sự điều khiển của Luật này. Do vậy, tôi cho rằng đó là vướng mắc nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, y tế...

Vướng mắc thứ 2 ở chỗ, Nghị định 20 có nói đến phạm vi đối tượng, nguyên tắc áp dụng. Vậy nên chăng các doanh nghiệp nên căn cứ vào nguyên tắc áp dụng, doanh nghiệp phải cân nhắc tôi có nằm trong phạm vi áp dụng hay không. Sau đấy, nên quy định nếu nằm trong phạm vi, mới bị điều chỉnh theo Nghị định 20. Nếu không nằm trong phạm vi đó, tại sao lại áp dụng? Nếu chúng tôi có giao dịch liên kết nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào chuyển giá thì sao lại áp dụng?

Nghị định 20 nói cơ quan thuế có trách nhiệm xác định giá giao dịch liên kết và không công nhận các yếu tố làm ảnh hưởng nghĩa vụ thuế. Nếu chúng tôi không có yếu tố làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế thì tại sao lại áp đặt với Nghị định 20. Đó là những ý kiến mà chúng tôi mong sẽ được kiến nghị lên các cấp trên.

Câu hỏi dành cho ông Trương Anh Tuấn: Là đại diện doanh nghiệp, ông có thể cho biết doanh nghiệp ông đã bị ảnh hưởng bởi quy định của Nghị định 20 chưa?

Ông Trương Anh Tuấn: Chắc chắn là doanh nghiệp chúng tôi đã phải thực hiện theo Nghị định 20 rồi, vì Nghị định đã có hiệu lực từ năm 2017.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, chúng tôi thấy những bất cập của Nghị định 20 ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp trong nước.

Trên thị trường bất động sản, các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội thì ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.

Đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết. Vậy, có nên chăng cần sửa đổi là đối với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nên có những quy định riêng.

Thứ hai, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm. Vì vậy, các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.

Chúng ta rất mừng là Chính phủ đã khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn.

Tóm lại, từ góc nhìn doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ việc dừng Nghị định là khó, chúng tôi nghĩ cách tốt nhất mong các các hiệp hội như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội tư vấn Thuế, Hội Luật sư và các chuyên gia có kiến nghị tới Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, làm thế nào nhanh chóng sửa đổi và có thể áp dụng sửa đổi ngay trong kỳ quyết toán thuế 2018.

Chúng tôi mongcó sự thay đổicho năm 2018 để các doanh nghiệp thật sự sống được, tồn tại được và hợp tác được với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt có quy định, chính sách riêng cho những dự án nhà ở xã hội.

Bà Nguyễn Thị Cúc:

Tôi nghĩ việc sửa Nghị định là khả thi và chúng tôi nghĩ rằng trước mắt không áp dụng mức 20% đối với các doanh nghiệp chịu một mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, không có ưu đãi thuế, không có hiệp định liên kết.

Chúng tôi cũng cố gắng nỗ lực để kiến nghị lên trên để vừa chống chuyển giá, vừa để các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong hoạt động.

TS. Võ Trí Thành: Tôi đồng ý với ý kiến của bà Cúc. Nhưng tôi cho rằng cần có những nội dung sửa đổi căn cơ, căn bản.

Câu hỏi dành cho TS. Lê Xuân Nghĩa và TS. Võ Trí Thành: Quy định tại khoản 3, điều 8 trong Nghị định 20 có công bằng không khi áp dụng với các doanh nghiệp?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Luật Các Tổ chức tín dụng có quy định rõ ràng về cho vay có liên quan, có mức độ khống chế về tỷ lệ cho vay, đương nhiên là lãi suất được hạch toán 1 cách bình thường. Nhưng tôi cho rằng Hội thảo nên đi vào kiến nghị sửa như thế nào.

Tôi thấy rằng, mục tiêu chuyển thu nhập thuế từ quốc gia có suất thu nhập thuế cao sang thấp. Còn trong nội địa Việt Nam thì thuế suất như nhau, tôi đề nghị Nghị định 20 chỉ áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa Việt Nam.

Chúng ta thấy rằng rất nhiều nước chưa áp dụng, nhất là những nước nghèo như Việt Nam. Còn tỷ lệ là 20% thấp hay cao, tôi nghĩ cần xem lại tỷ lệ cho hợp lý. Tóm lại, với Nghị định 20, tôi thấy chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp xuyên biên giới, không nên phân biệt đối xử theo ngành nghề, quy mô, càng gây rắc rối.

TS. Võ Trí Thành:Đây là một bài học đắt giá với Bộ Tài chính, các cơ quan của Chính phủ. Đây là bất cập rất lớn trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập, minh bạch hơn.

Về thông lệ quốc tế, chúng ta phải hiểu thông lệ quốc tế là cái không bắt buộc, là cái khuyến khích, tuy nhiên, áp dụng như thế nào là tùy, trong OECD có nước áp dụng có nước không, và các nước áp dụng là khác nhau. Tinh thần hội nhập là cố gắng áp dụng thông lệ quốc tế nhưng cơ bản là tính tự nguyện. Đây là câu chuyện của chính chúng ta.

Tôi muốn nói về mục đích của Nghị định này, có 3 mục đích: Một là chống chuyển giá, hai là giảm rủi ro cho ngân hàng và ba là tạo cách "chơi", cách phát triển để thị trường minh bạch hơn. Thực tế, 2 mục đích đầu tiên gần như không đạt được. Nghị định đem lại rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất của doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ khó lớn lên.

Vấn đề rất quan trọng là khuyến khích đổi mới sáng tạo, tôi nghĩ cái khó gây ra nhiều hơn là cái lợi ích, rõ ràng chúng ta cần xem lại.

Kiến nghị của tôi là cần có thời gian khoảng một năm là tốt nhất để nghiên cứu, sửa đổi. Nên áp dụng và đưa chuẩn mực thông lệ quốc tế này vào áp dụng tại Việt Nam.

Câu hỏi dành cho bà Đinh Thị Quỳnh Vân:Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ lãi vay khấu trừ thu nhập thuế được quy định do hậu quả của chuyển giá. Vậy các doanh nghiệp nước ngoài phản ứng thế nào về quy định này?

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Khi Nghị định đề ra, chúng tôi có những thông báo tới cộng đồng doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thật sự quan tâm lắm.

Chúng tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn doanh nghiệp nước ngoài. Phần vì tỷ lệ lãi, vốn vay của các doanh nghiệp nước ngoài không quá cao cho nên bản thân lãi suất cũng đã có sự khống chế nhất định. Với Nghị định 20, nguyên tắc chống chuyển giá chính là chống chuyển giá trong giao dịch liên kết. Và một trong những nguyên tắc đó là xác định giá trên cơ sở thị trường.

Vậy thì đối với lãi vay, tôi nghĩ, để tránh việc chuyển giá, cần xem mức lãi suất đó hợp lý hay không. Đối với giao dịch khác có thể xem xét, có thể khó khăn, nhưng trong giao dịch cho vay thì việc này rất dễ. Việt Nam có thị trường liên ngân hàng, vậy với tất cả các khoản vay nước ngoài thì tỷ lệ bao nhiêu là phù hợp với mức độ rủi ro và thị trường.

Ngoài ra, tất nhiên đúng, đây là 1 trong những phương pháp mà BEPS đưa ra, nhưng đi kèm đó còn có những quy tắc nữa, vì nếu không thì ngay lập tức các tập đoàn sẽ bị ảnh hưởng.

Vấn đề là chúng ta định nghĩa lãi suất khống chế như thế nào, hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ ra sao? Đối với doanh nghiệp nước ngoài khi mới đầu tư vào Việt Nam họ đã xem xét điều này, còn những doanh nghiệp FDIđang hoạt động, thì mức độ quan tâm của họ rất ít, phản ứng không nhiều bằng hiệp hội các doanh nghiệp trong nước.

Câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp dành cho bà Nguyễn Thị Cúc: Mục tiêu của Nghị định 20, cụ thể Khoản 3 Điều 8 là gì?

Bà Nguyễn Thị Cúc:

Là người gắn bó với ngành thuế, trước khi làm Chủ tịch Hội tư vấn Thuế, tôi cũng có 13 năm đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, gắn bó với các chính sách thuế, tôi thấy như sau: Trong quá trình xây dựng pháp luật, tất cả các văn bản đều phải có dự thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, rồi mới trình lên Chính phủ. Nghị định 20 cũng phải tuân thủ những bước đó.

Liên quan đến khoản 3 điều 8 Nghị định 20, trong quá trình chuẩn bị, chưa có đánh giá, quá trình tiếp thu và chưa nhận được ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp nhiều nên có một số vướng mắc. Chúng tôi đã tham gia về vấn đề này nhiều, Tổng cục Thuế cũng đã có công văn riêng trình lên về vấn đề này.

Theo Nghị định 20 thì lãi vay ngân hàng có bị khống chế không? Tôi trả lời là có. Thông qua các công ty chứng khoán của ngân hàng để đầu tư trái phiếu, theo quan điểm Tổng cục Thuế thì đây cũng là 1 hình thức vay.

Tại đối thoại doanh nghiệp, tập đoàn Vingroup cũng đã đề cập đến những khó khăn, về phía chúng tôi cũng thấy tồn tại những bất cập. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc cho vay giữa công ty mẹ và công ty con có nhiều cơ hội và khả năng trốn tránh thuế, chuyển giá vì vậy khống chế là đúng. Nhưng mức khống chế là bao nhiêu?

Đối với các doanh nghiệp không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì động cơ chuyển giá mang đến mục tiêu chuyển dịch lợi nhuận là không có. Đương nhiên sẽ có trường hợp các doanh nghiệp vay xuyên biên giới của ngân hàng khác và có động cơ, cơ hội chuyển giá, trốn thuế, nếu như mình làm biện pháp đó với việc khống chế lãi vay Ngân hàng Nhà nước thì điều đó là được. Một chính sách thuế phải phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phải phù hợp với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khó khăn. Tôi nghĩ rằng, những vướng mắc đó cũng đã được Bộ Tài chính tập hợp để gửi lên trên.

10h30:Bà Đinh Mai Hạnh, Phó TGĐ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam tham luận:

Một trong những điểm thay đổi chính trong Nghị định 20 là mức khống chế chi phí lãi vay được tham chiếu đến Chương trình hành động số 4 của BEPS.

Đối tượng chính mà BEPS hướng đến là các Tập đoàn đa quốc gia có thể lợi dụng chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác nhau và dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong Tập đoàn với mục đích tránh thuế.

Với mục tiêu ban đầu như vậy, nhưng trên thực tế việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay ở Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều vướng mắc cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các Tổng công ty, Tập đoàn hoặc các công ty sử dụng vốn vay lớn trong giai đoạn đầu tư, hoặc có nhu cầu vay vốn lưu động thường xuyên.

Về tính pháp lý của Nghị định 20:

Việc quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 không được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng làm nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc sử dụng văn bản nào để áp dụng, vì Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Về đối tượng và phạm vi áp dụng của Nghị định 20:

Nội dung của Điều 8, Nghị định 20: “Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù”, nhưng tại Nghị định 20 và thông tư hướng dẫn chưa có định nghĩa cụ thể về “giao dịch liên kết đặc thù”, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định doanh nghiệp mình có phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng Điều 8 hay không.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi là nếu doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết tức là thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 20, nhưng giao dịch này không liên quan đến giao dịch vay vốn, vậy liệu chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại trong nước có chịu mức khống chế theo Điều 8, Nghị định 20 không?

Thiết nghĩ, quy định này nên chỉ áp dụng khi doanh nghiệp có giao dịch vay vốn từ bên liên kết. Đồng thời, phần khống chế chỉ nên tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập (các ngân hàng, tổ chức tín dụng,...).

Thời hạn hiệu lực của Nghị định 20:

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017. Việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong Tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh: bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Để giải quyết vấn đề này, Chương 5, Chương trình hành động số 4 của BEPS có đề cập đến việc chi phí lãi vay dùng để tính mức khống chế là chi phí lãi vay thuần, tức là phần chênh lệch sau khi bù trừ chi phí lãi vay với thu nhập từ lãi vay trong kỳ.

Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tới các hình thức huy động vốn và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên. Ngoài ra, BEPS cũng giới thiệu hai khái niệm tính mức khống chế lãi vay theo tỷ lệ cố định ví dụ như 10% - 30% EBITDA, hoặc tính theo tỷ lệ Tập đoàn như được đề cập ở Chương 7, Chương trình hành động số 4. BEPS còn khuyến nghị trong trường hợp này các công ty thành viên có quyền được lựa chọn cách tính nào có lợi hơn, tức được khấu trừ nhiều chi phí lãi vay hơn.

Một trường hợp khác là đối với các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư (đối với chi phí lãi vay không được vốn hóa) và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Chương 8, Chương trình hành động số 4 của BEPS cũng khuyến nghị nên cân nhắc về thời điểm áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay hoặc cho phép áp dụng cơ chế chuyển tiếp chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang khấu trừ vào kỳ sau. BEPS cũng khuyến nghị việc khấu trừ chi phí lãi vay theo tỷ lệ Tập đoàn như đề cập ở trên để giảm tác động đến người nộp thuế trong trường hợp bị lỗ.

Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm các quy định và thông lệ quốc tế, đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Tập đoàn, hoặc các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản. Việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS, thực tiễn áp dụng ở các nước để quy định mang tính khả thi và thực sự đi vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

10h10: Luật sư Trương Thanh Đức tham luận:

Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết, tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20 còn những điểm chưa hợp lý, cụ thể như sau:

Không đủ cơ sở pháp lý:

“Giao dịch liên kết” bị hạn chế quyền của cá nhân và pháp nhân, nên phải được điều chỉnh trong một đạo luật theo quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong khi đó, cụm từ “giao dịch liên kết” mới chỉ được giải thích trong khoản 3, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” và Điều 5 “Các bên có quan hệ liên kết” (tương tự quy định về “người có liên quan”), Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, cụm từ “giao dịch liên kết” cũng được đề cập đến trong quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt và việc chuyển giao công nghệ.

Như vậy, việc quy định hạn chế trong “giao dịch liên kết” chỉ bảo đảm cơ sở pháp lý sau khi đã được quy định trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét thông qua.

Quy định không hợp lý:

- Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp thật sự phải chi trả chi phí lãi vay cao hơn tỷ lệ khống chế nói trên, thì quy định của Nghị định là trái luật, vi phạm quyền huy động vốn từ mọi nguồn một cách hợp pháp để phục vụ nhu cầu kinh doanh.

- Thứ hai,quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần...” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu “tổng chi phí lãi vay” trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận;

- Thứ ba, trong mọi trường hợp, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.

Áp dụng không hợp lý:

Về thực chất, Nghị định này chủ yếu nhằm vào mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là quy định tại Điều 10 về “Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết” và Khoản 1, Điều 11 về “Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết” của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.

Khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam.

Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

9h50: TS. Cấn Văn Lực tham luận:

Trong bối cảnh hội nhập, ngày càng có nhiều hành vi tránh thuế dưới các hình thức ngày càng tinh vi trên toàn cầu, theo ước tính của OECD (2016), các hành vi xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) gây thất thoát khoảng 100 - 240 tỷ USD/năm trên toàn cầu, tương ứng 4-10% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); các giao dịch thương mại nội bộ chiếm trên 30% giá trị thương mại toàn cầu.

Tháng 11/2015, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, các nguyên thủ quốc gia đã thông qua gói kế hoạch triển khai 15 hành động cụ thể của dự án BEPS do OECD đề xuất. Lý do: Việt Nam là 1 trong 100 thành viên tham gia chính thức từ tháng 6/2017.

Theo chương trình chống các hành vi beps có 15 chương trình hành động.

Đối với các nước không phải thành viên OECD, điều kiện để tham gia vào Diễn đàn là phải cam kết thực thi gói tiêu chuẩn tối thiểu, bao gồm các hành động số 5 (thông lệ thuế có hại như thiếu minh bạch, ưu đãi quá mức), 6 (lợi dụng HĐ thuế), 13 (lập hồ sơ giá chuyển nhượng) và 14 (cơ chế giải quyết tranh chấp). Hoạt động 13 để đảm bảo cơ quan thuế có đủ thông tin cần thiết về lợi nhuận kinh doanh của các doanh nghiệp đa quốc gia, nghĩa vụ thuế của tập đoàn và việc sử dụng thông tin để phân tích giá trị thị trường của các sản phẩm trong liên kết và các rủi ro khác phát sinh từ BEPS. Từ đó giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng hiệu lực, hiệu quả hơn.

Việt Nam thực hiện cả chương trình hành động số 4 (khấu trừ lãi).

Bản chất vấn đề lách thuế thông qua chi phí lãi vay: Theo quy định về thuế, tiền trả lãi vay được tính vào chi phí khấu trừ thuế, chính vì vậy, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp FDI) có thể nâng chi phí lãi vay bằng 2 cách:

Một là thông qua các khoản vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, theo đó công ty mẹ cho công ty con hoạt động ở nước ngoài vay những khoản vay lớn với lãi suất cao trên sổ sách.

Hoặc, cách thứ hai là công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở quốc gia đó chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo, công ty con ở quốc gia này báo cáo không có tiền lấy hàng, công ty mẹ cho trả chậm, và tính lãi trả chậm. Phần lợi nhuận thực có được thông qua trả lãi vay có thể được chuyển ra nước ngoài cho công ty mẹ.

Tại Việt Nam, Nghị định 20 đã áp dụng thông lệ BEPS (các hành vi xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận), cụ thể theo Điều 8 Khoản 3 với quy định tỷ lệ giới hạn chi phí lãi vay cho tất cả các đối tượng nhưng với mức tỷ lệ là 20%; hình thức áp dụng bổ sung, thay thế bằng chỉ số chi phí lãi từ bên thứ 3/EBITDA không được áp dụng.

Nghị định 20 là bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như thể hiện trách nhiệm quốc gia trong mục tiêu góp phần chống lại xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu; góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Nghị định 20 vẫn gây ra nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện, cơ sở đưa ra ngưỡng lãi vay 20% và đối tượng áp dụng...

Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp chung: Về phía cơ quan quản lý, cần sớm có báo cáo đánh giá kết quả triển khai, rà soát những vấn đề thực tiễn phát sinh trong thực tế, từ đó sớm đưa ra những cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, đảm bảo tính thực tế, khả thi hơn và vẫn đạt mục đích đề ra.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu các thông lệ quốc tế về chống chuyển giá BEPS để có định hướng kế hoạch hoạt động kinh doanh phù hợp.

Giải pháp sửa đổi quy định giới hạn chi phí lãi vay:

- Tại Điều 4 – giải thích từ ngữ cần bổ sung các nội dung sau: Bổ sung khái niệm phạm vi chi phí lãi (thay vì chi phí lãi vay) được tính toán trong tỷ lệ chi phí lãi/EBITDA là tổng chi phí lãi vay và bao gồm các sản phẩm tài chính và các khoản chi trả lãi liên quan khác. Bổ sung khái niệm về EBITDA vì đây là thông lệ quốc tế cần thống nhất trong quản lý theo dõi kiểm tra giữa cơ quan thuế, doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng như các đối tượng quan tâm.

- Tại Điều 8 – Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù. Khoản 3 cần xem xét nghiên cứu bổ sung sửa đổi các nội dung như: Thay cụm từ “chi phí lãi vay” bằng “chi phí lãi” tại những chỗ cần thay;

Làm rõ chi phí lãi chỉ áp dụng đối với giao dịch liên kết hay tất cả các khoản vay; Nâng tỷ lệ chi phí lãi trên EBITDA từ 20% lên ngưỡng cao nhất theo khuyến nghị của OECD là 30% (đây có thể là ngưỡng phù hợp hơn cả); Xem xét đặc thù một số ngành sử dụng vốn vay lớn như bất động sản, điện lực, CSHT… khi tính toán chỉ số chi phí lãi/EBITDA (có thể được loại bỏ dần chi phí lãi vay từ bên thứ 3) hoặc ở mức ngưỡng khác?; Xem xét nghiên cứu bổ sung thêm hình thức áp dụng chỉ số chi phí lãi vay bên thứ 3/EBITDAở các tập đoàn.

Xem xét bổ sung quy định về lộ trình áp dụng: cơ quan quản lý nên đưa ra một lịch trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc tài chính tuân thủ theo quy định. Thí dụ, doanh nghiệp có chỉ số chi phí lãi trên EBITDA trên 50% cần thực hiện giảm tỷ lệ mỗi năm 10% (nhưng không quá 3 năm) để đạt được tỷ lệ quy định 30% theo lộ trình nhất định kể từ khi NĐ 20 sửa đổi có hiệu lực chính thức.

Thông tư hướng dẫn thực hiện cần ban hành sớm hơn, kịp thời hơn, ít nhất là trước khi Nghị định có hiệu lực từ 2-3 tháng.

Tại điều 10 – quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

- Cần xem xét nghiên cứu bổ sung quy định về công bố thông tin tỷ lệ chi phí lãi/EBITDA trong các báo cáo tài chính thường niên của các doanh nghiệp như là chuẩn mực thông lệ kế toán, báo cáo tài chính Việt Nam.

- Hướng dẫn bằng tiếng anh cho các doanh nghiệp FDI

9h40: Phát biểu đề dẫn Hội thảo:

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo:

Ông Nguyễn Trần Nam chỉ ra những vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ của Nghị định số 20/2017/NĐCP.

Cụ thể, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp, bởi những lý do sau:

- Thứ nhất, Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định quyền của doanh nghiệp được "tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm". Quy định giới hạn chi phí lãi vay của Nghị định 20 chưa phù hợp với nguyên tắc tôn trọng quyền tự do kinh doanh.

- Thứ hai, vay vốn là nhu cầu thực tế, thường xuyên của doanh nghiệp nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh đặc biệt với những ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài như đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Nếu áp theo điều khoản này, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sẽ bị tính thành 2 lần, nguy cơ “lỗ chồng lỗ”. Khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 về áp trần lãi vay đang quy định không rõ ràng, minh bạch về đối tượng áp dụng, đồng thời đang có nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng có thể sai lệch và gây hoang mang cho các doanh nghiệp.

- Thứ ba, quy định của Nghị định 20 sẽ tạo ra nhiều khó khăn đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân với mô hình công ty mẹ - con hiện đang phát triển mạnh ở nước ta. Nếu các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá, ví dụ như họ có quan hệ giao dịch vay vốn giữa công ty mẹ và công ty con, thuế suất của họ là bằng nhau, đều áp dụng một mức thuế suất phổ thông, không có ưu đãi thuế thì họ phải thuộc trường hợp không bị khống chế lãi vay theo Nghị định 20. Còn nếu không phân định rõ mà khống chế lãi vay cả những trường hợp này, tất yếu sẽ tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, có ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Có ý kiến cho rằng khoản 3, điều 8, Nghị định 20 này là nhằm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không đi vay nợ quá nhiều mà cần phải có vốn tự có. Cách giải thích này cũng không thực sự thuyết phục. Theo quan điểm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cơ quan quản lý Thuế cần đánh giá đầy đủ các hiệu ứng tiêu cực từ quy định này gây ra như hạn chế khả năng liên kết, cản trở sự hình thành các tập đoàn tư nhân trong nước lớn, đủ sức cạnh tranh quốc tế như chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Thứ tư, đây là Nghị định áp dụng chung cho cả doanh nghiệp của nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với 2 chuẩn mực kế toán khác nhau và điều kiện hoạt động khác nhau, nếu áp dụng cùng công thức với tỷ lệ tính toán giống nhau sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, trước hết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại khoản 3 điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách mà không theo nhiều cách, gây hỗn loạn và hoang mang cho doanh nghiệp.

Trước những bất cập của Nghị định 20; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có ý kiến, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đưa ra cơ sở việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam quyết định tổ chức Hội thảo khoa học: Nghị định 20/2017/NĐCP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ. Hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những góc nhìn phản biện đa chiều, những định hướng và giải pháp cho việc tháo gỡ những bất cập của Nghị định 20 nói riêng, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, kiến tạo cho doanh nghiệp.

Với tinh thần đó, ông Nguyễn Trần Nam đề nghị các diễn giả, các chuyên gia và quý vị đại biểu tham dự Hội thảo tập trung làm rõ một số khía cạnh sau:

- Một là, phân tích bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam 2018, vai trò của các doanh nghiệp nói chung trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu cấp bách cần tiếp tục cải cách thể chế của Việt Nam tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp;

- Hai là, tập trung phân tích và làm rõ những bất cập về cơ sở pháp lý, nội dung và thực tiễn áp dụng của Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

- Ba là, giới thiệu những thông tin tham khảo và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặt trong mối tương quan với điều kiện thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

- Bốn là, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và định hướng sửa đổi những bấp cập trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP.

Sau Hội thảo, Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp để kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những nội dung bàn thảo về Nghị định 20.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

9h30:Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

Mở đầu Hội thảo, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Điệp - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ; ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Vũ Văn Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính), cùng đại diện các Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch Đầu tư Bộ Công thương, VCCI.

Ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Về phía các chuyên gia, các nhà khoa học bao gồm các luật sư, kiểm toán, thuế, tài chính ngân hàng: Chuyên gia kinh tế

Tác giả: Theo reatimes.vn