Phong thủy trong ngôi nhà truyền thống nhìn từ xu hướng xanh

14:06 01/06/2020

Ngôi nhà người Việt từ xưa rất coi trọng yếu tố phong thủy trong đó có Ngũ hành. Việc cân bằng Ngũ hành trong ngôi nhà không những tạo sự hài hòa về phong thủy mà dưới góc độ kiến trúc xanh ngày nay còn là lối sống xanh.

Ngày nay, kiến trúc xanh và sống xanh đang ngày càng trở thành xu hướng của thế giới để đảm bảo cho con người sức khỏe và đời sống tinh thần tốt cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội. Thế nhưng, ngay từ xa xưa, cha ông ta đã biết coi trọng tự nhiên, biết sống hòa nhập với thiên nhiên để tạo sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên và môi trường sống tốt nhất.

Việc lập làng ngày trước bao giờ cũng dựa vào nguồn nước để tính chuyện mưu sinh.

Ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn Bắc Bộ bao giờ cũng đảm bảo đủ 5 yếu tố trong Ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa. Kim là nhà mái chảy có nóc, vì hình nhọn là biểu tượng của Kim. Mộc là các vật liệu thiên nhiên như gỗ, tre, nứa, mái gianh hoặc rơm rạ, đặc biệt là hệ thống cây xanh vườn trước, vườn sau. Thủy là mặt nước hồ ao trước nhà hoặc bên cạnh dòng sông: Nhất cận thị, nhị cận giang, tam mới là cận lộ. Thổ là nền đất, tường đất hoặc trát vách, sau này tiến lên nhà tường gạch, mái ngói thì hai loại vật liệu này đều làm từ đất và thuộc Thổ. Hỏa bếp lửa, là đèn thắp sáng bằng dầu lạc, bếp nấu ăn bằng các chất đốt tự nhiên như củi gỗ, rơm rạ,… là điều hòa ánh sáng và nhiệt độ bằng các giải pháp kiến trúc để giữ ấm về mùa đông mát về mùa hè…

Công trình kiến trúc điển hình phía Bắc thời trước là ngôi nhà mái chảy lợp rạ, cỏ gianh…

Phân tích từng yếu tố Ngũ hành trong ngôi nhà Việt cổ cho thấy, ông cha ta từ xa xưa đã có cách tổ chức không gian sống hết sức khoa học và hòa hợp với thiên nhiên, tạo môi tường sống tốt nhất trong hoàn cảnh cụ thể.

Kim: Từ thời xa xưa, khoa học công nghệ chưa phát triển, vật dụng trong nhà hầu như không có đồ kim khí. Vì vậy, nhà mái chảy có nóc nhọn phía trên được coi là tượng trưng cho hành Kim trong phong thủy. Mặc dù không có tuyết như ở xứ sở hàn đới, nhưng nhà mái chảy có nhiều ưu điểm đối với xứ nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, đặc biệt khi vật liệu lợp mái chủ yếu là tranh tre nứa lá như rơm rạ, cỏ gianh, lá gồi,… đều thoát nước kém. Với độ dốc của mái nhà hợp lý, vào mùa mưa với những cơn mưa lớn và dai dẳng, nước vẫn thoát kịp, không gây dột cho ngôi nhà. Kể cả sau này khi đã có vật liệu đất nung như ngói ta (ngói vẩy cá), ngói âm dương…, thì mái nhà vẫn cần có độ dốc mới không bị dột. Đồng thời, với ngôi nhà chủ yếu quay hướng Nam, mái chảy sẽ tạo độ thông thoáng cho không gian trong nhà, thông gió tốt, không khí lưu chuyển thuận lợi và có tác dụng chống nóng rất tốt.

Trước nhà là sân, tiếp đến mảnh vườn, ao thả cá với bóng tre trùm mát rượi.

Mộc: Ông cha ta từ xa xưa đã rất chú trọng đến cây xanh trong việc tổ chức không gian sống. Từ việc chọn địa điểm để lập làng hay làm nhà, người xưa đã chú ý đến cây cỏ, thường chọn nơi cây cối tươi tốt để định cư. Với nền nông nghiệp cổ thì yếu tố đầu tiên để định cư phải là đất đai màu mỡ, thuận lợi cho cây trồng vật nuôi. Ngoài cây trồng ngoài đồng ruộng thì ngôi làng thường được bao bọc bằng lũy tre xanh, cổng làng hay bến đò đến làng bao giờ cũng được trồng cây đa, vừa lấy bóng mát, vừa là vật đánh dấu lãnh thổ. Đặc biệt, việc tổ chức cây xanh trong từng khuôn viên, ngôi nhà được hết sức chú trọng và khoa học. Mẫu nhà điển hình thường có vườn trước vườn sau để trồng hoa màu và cây ăn quả. Cây xanh không những cho trái, rau,… làm thực phẩm mà còn tạo bóng mát, cung cấp dưỡng khí, điều hòa khí hậu giảm nóng nực vào mùa hè.

Đồng thời, như trên đã nói, với việc dùng các vật liệu tự nhiên làm nhà là gỗ, tre nứa, rơm rạ, lá gồi, cỏ gianh… đều thuộc Mộc làm cho ngôi nhà có tính lành và mang lại sinh khí cho người cư ngụ.

Tấm giại ngăn cách nhà và sân có tác dụng tạo không gian đệm mang lại sự mát mẻ cho căn nhà.

Thủy: Nước ta thuộc nền văn minh lúa nước, vì vậy yếu tố Thủy được coi trọng trước tiên khi chọn đất lập làng cũng như khi tạo dựng ngôi nhà để ở. Đối với vùng đất để đóng đô hay lập làng, đó là nơi phải gần sông, nguồn nước để thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt hằng ngày. Thời cổ đại, giao thông và công nghệ chưa phát triển thì việc gần sông cũng đồng nghĩa với giao thông thuận lợi vì phương tiện di chuyển chủ yếu bằng đường thủy.

Khi xây dựng các công trình kiến trúc độc lập như đình chùa hay nhà ở, yếu tố Thủy vẫn được coi trọng và hầu như không thể thiếu. Ở phía Bắc, trước mặt các ngôi chùa, phủ, đình… hầu hết đều có hồ nước và thường là hồ hình bán nguyệt. Còn ngôi nhà điển hình phía Bắc là nếp nhà 3 gian hoặc 3 gian 2 chái, tiếp đến là sân, vườn và ngoài cùng là ao thả cá. Mặt nước này có vai trò rất quan trọng, vừa tạo khung cảnh hài hòa, vừa bổ sung hơi nước trong những ngày hanh khô và nhất là giúp điều hòa không khí, giảm bớt cái nóng về mùa hè.

Ao nước gắn liền với ngôi nhà phía Bắc có tác dụng tạo vi khí hậu, điều hào nhiệt độ.

Thổ: Khi khoa học chưa phát triển, vật liệu còn đơn giản thì yếu tố Thổ được người xưa tận dụng một cách triệt để. Nền nhà là đất đầm chặt, phần bao che là tường trình đất hoặc vách trát bùn đều thuộc Thổ. Đến thời đại đồ gốm, thêm vật liệu lợp mái bằng ngói hay xây tường bằng gạch thì các vật liệu này đều có nguồn gốc từ đất và cũng là thuộc Thổ. Các vật liệu trên đều có tính cách nhiệt tốt nên đảm bảo cho ngôi nhà ấm về mùa đông và mát về mùa hè.

Ở vùng cao, đồng bào các dân tộc còn có thói quen xếp đá làm tường bao quanh khuôn viên nhà và vật liệu này cũng thuộc hành Thổ.

Bờ tường xếp đá của đồng bào Mông vùng cao phía Bắc ngoài vai trò bảo vệ còn có tác dụng tích nhiệt ban ngày và tỏa nhiệt ban đêm để sưởi ấm cho căn nhà.

Hỏa: Một ngôi nhà không thể thiếu yếu tố hỏa. Đó là ngọn đèn thắp sáng, là bếp lửa đun nấu hằng ngày. Trước đây, khi chưa có điện và kể cả dầu lửa cũng chưa có, cha ông ta thắp sắng bằng dầu thực vật, phổ biến là dầu lạc. Nhiên liệu dùng cho đun nấu là củi gỗ, rơm rạ, cỏ cây đều có nguồn gốc tự nhiên, duy trì sự sống và hơi ấm cho mỗi nếp nhà.

Ông cha ta còn biết sử dụng ánh sáng và năng lượng mặt trời (thuộc Hỏa) một cách tối ưu phục vụ cho cuộc sống của mình. Chiếc sân trước nhà ngoài việc tạo khoảng thoáng phía trước, là không gian tổ chức sinh hoạt chung còn là nơi được dùng để phơi phóng thóc lúa, ngô khoai… vào ngày mùa. Ánh nắng mặt trời được tận dụng chiếu sáng trong nhà vào ban ngày. Tuy nhiên, để giảm bớt cái nắng gay gắt trong mùa hè, ngôi nhà được thiết kế thêm bờ hè và mái hiên; một số vùng còn làm tấm giại che trước cửa như một khoảng đệm và tấm ngăn trong kiến trúc hiện đại.

Ngôi nhà với hoa giấy khiến cả góc phố phủ rêu phong như sáng bừng lên nhờ vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bào một số dân tộc từ xa xưa đã có thói quen xếp đá làm tường bao quanh khu vực nhà ở. Không chỉ có tác dụng bảo vệ, ngăn chặn thú dữ tấn công, các nhà khoa học còn phát hiện vật liệu đá thô này có tính hấp thụ nhiệt rất tốt. Vì vậy, ban ngày nó hấp thụ năng lượng mặt trời và ban đêm tỏa nhiệt sưởi ấm cho ngôi nhà.

Như vậy, trong nếp nhà Việt từ xa xưa đã rất coi trọng việc kết hợp các yếu tố trong Ngũ hành. Các hành trong Ngũ hành ấy lại sinh hóa cho nhau theo mối quan hệ Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim và Kim lại sinh Thủy…, tạo vòng tuần hoàn khép kín đảm bảo sự hài hòa cho môi trường để phục vụ con người. Đặc biệt, các yếu tố Ngũ hành trên đều có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc thuộc về thiên nhiên, giúp cho con người gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên và tạo môi trường hài hòa, ổn định, bền vững, những mục tiêu mà bây giờ con người đang nỗ lực vươn tới với kiến trúc xanh và lối sống xanh.

Ngôi nhà luôn tràn ngập cỏ cây hoa lá, hòa hợp với thiên nhiên.

Như vậy có thể nói, ngay từ xa xưa chứ không phải chỉ đến bây giờ, cha ông ta với những quan niệm trong phong thủy đã tạo dựng một nền kiến trúc xanh với những công trình xanh và lối sống xanh hoàn hảo nhất.

Vì vậy, có thể nói, phong thủy không phải là điều gì xa vời, diệu vợi hay thần bí, mà thực chất Phong thủy chính là sống xanh, mang lại sự an yên cho con người.

Tác giả: Tuệ Duyên