VNREA: “Một năm 2023 bận rộn” và kỳ vọng cho 2024
09:08 05/04/2024
Năm 2024 với những khát vọng mới, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bất động sản.
Trước thềm Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2024 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã ghi nhận ý kiến của đại diện chuyên gia, doanh nghiệp hội viên, đơn vị thành viên Hiệp hội về kết quả hoạt động hội trong năm 2023 và kỳ vọng cho thời gian tới.
Theo đó, bước sang năm 2024 với những khát vọng mới, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin vào sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường bất động sản. Đã không còn những “khủng hoảng, đóng băng, trì trệ hay ảm đạm” mà thay vào đó là “sự hứng khởi và trỗi dậy" của thị trường này.
HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM ĐÃ CÓ MỘT NĂM THỰC SỰ BẬN RỘN.
TS. Võ Trí Thành
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.
Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với thị trường bất động sản. Từ nguồn vốn bế tắc đến pháp lý chồng chéo, bất cập đã khiến hàng loạt dự án phải "đắp chiếu", thị trường không ghi nhận nguồn cung mới còn doanh nghiệp không có hàng để bán ra thị trường.
Trước thực tế này, vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là rất lớn. Bởi Hiệp hội không chỉ là mái nhà chung của các doanh nghiệp bất động sản, đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp mà còn có vai trò trong việc góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vững bền.
Tôi cho rằng, trong năm vừa qua, VNREA đã làm khá tốt vai trò của mình. Theo nhìn nhận so với các hiệp hội ngành nghề khác mà tôi tham gia, 2023 có thể coi là một năm rất bận rộn của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ phía các doanh nghiệp hội viên, Hiệp hội đã tích cực góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Trong nhiều cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về gỡ khó cho thị trường bất động sản mà tôi tham gia đều có sự góp mặt của đồng chí Chủ tịch Hiệp hội hoặc các Phó Chủ tịch với những góp ý sâu sắc và chất lượng.
Nhìn chung, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã theo sát diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời góp ý, phản biện chính sách hay hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, tôi mong rằng VNREA sẽ tiếp tục đối chiếu, tham khảo những cách làm hay của các hiệp hội khác để ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và vai trò của mình đối với cộng đồng doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Có thể hợp tác với các đơn vị hiệp hội ngành nghề liên quan, ví dụ như hoạt động bất động sản du lịch sẽ gắn bó hợp tác với hiệp hội du lịch; bất động sản thương mại sẽ gắn kết hợp tác với các hiệp hội bán lẻ; hay xây dựng sự gắn kết giữa Hiệp hội với các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật... Qua đó tạo ra cách tổ chức kết nối, đem lại đóng góp thiết thực nhất cho các doanh nghiệp hội viên.
CHÚ TRỌNG VÀO PHÂN KHÚC BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP - MỘT HƯỚNG ĐI MỚI VÀ HIỆU QUẢ CỦA VNREA
Ông Vũ Cương Quyết
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc
Nhìn tổng quan về thị trường bất động sản thời gian qua, có thể thấy từ quý IV/2023 đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi khá tốt, đặc biệt là thị trường phía Bắc và qua đến quý I/2024, thị trường đã dần đi vào ổn định. Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, hầu hết các phân khúc đã ổn định trở lại như thời kỳ 2020 - 2021. Trong đó, phân khúc hướng đến nhu cầu ở thực như chung cư đã có những chuyển biến tích cực về giá và lượng giao dịch.
Thời điểm quý I/2024, trong phân khúc chung cư tại Hà Nội, các dự án mới ra mắt đã ghi nhận mức tăng giá từ 6 - 8% so với quý trước, các chung cư đã đi vào sử dụng cũng tăng 5 - 8%. Với phân khúc nhà liền kề biệt thự, lượng giao dịch khá ổn định và giá cũng tăng nhẹ. Tổng quan quý I/2024, thị trường bất động sản Hà Nội đang trong giai đoạn phục hồi từ đáy đi lên.
Đối với thị trường các tỉnh thành lân cận, quý I cũng ghi nhận lượng giao dịch quay trở lại nhiều hơn. Đáng chú ý, những tỉnh phát triển mạnh khu công nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình… ghi nhận lượng giao dịch tăng lên khá nhanh, mức giá cũng đang có chiều hướng đi lên thay vì sụt giảm mạnh như năm 2023.
Đối với thị trường miền Nam, sự hồi phục và phát triển có phần chậm hơn so với thị trường miền Bắc. Do đó, chúng tôi kỳ vọng rằng trong quý II/2024, thị trường miền Nam, đặc biệt là phân khúc du lịch nghỉ dưỡng, sẽ phục hồi trở lại.
Từ ghi nhận thực tế đó, tôi cho rằng sự hồi phục và tăng trưởng tích cực này đến từ 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, 3 bộ Luật có liên quan trực tiếp tới thị trường bất động sản gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được thông qua là một yếu tố quan trọng giúp cho tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư quay trở lại ổn định, tích cực hơn.
Yếu tố thứ hai là lãi suất. Hiện nay, các thủ tục và điều kiện vay vốn tại ngân hàng thương mại cũng đã được nới lỏng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp từ 6 - 6,5% đã kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.
Cuối cùng, Việt Nam là một đất nước gần 100 triệu dân nên nhu cầu đầu tư và mua bất động sản vẫn rất lớn.
Trong bối cảnh thị trường năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức như vậy, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình là lắng nghe, chia sẻ cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong giai đoạn Chính phủ và các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Hiệp hội đã có những ý kiến đóng góp mạnh mẽ về các vấn đề còn vướng mắc.
Đặc biệt trong thời điểm lãi suất tăng cao khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó trong việc vay vốn, VNREA đã kịp thời có ý kiến, đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, giãn hoãn nợ, đưa lãi suất về mức hợp lý.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã chú trọng đến phân khúc bất động sản công nghiệp và có những hoạt động nhằm kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các khu công nghiệp. Tôi cho rằng đây là một hướng đi rất mới, có thể mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế thông qua việc thu hút nguồn vốn FDI, thu hút các công ty lớn vào Việt Nam thuê đất, thuê nhà xưởng và lấp đầy các khu công nghiệp…
Là một doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian qua. VNREA chính là nơi đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản với chính quyền, các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, Hiệp hội là nơi kết nối các doanh nghiệp hội viên với nhau; đặc biệt là việc mở rộng, kết nối với các hiệp hội tại nhiều khu vực và quốc gia phát triển trên thế giới… qua đó giúp cho các doanh nghiệp hội viên có cơ hội học tập, giao lưu và hợp tác đầu tư.
Trong thời gian tới, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục trên đà hồi phục, tuy nhiên vẫn sẽ không tránh khỏi những điểm nghẽn về pháp lý, thủ tục hành chính… Do đó, chúng tôi mong rằng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục theo sát và quan tâm nhiều hơn nữa tới các doanh nghiệp. Bên cạnh đó chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác, liên minh, liên kết chặt chẽ và học tập kinh nghiệm từ các hiệp hội bất động sản quốc tế.
VNREA GÓP PHẦN LÀM “TAN BĂNG” VÀ KHÔI PHỤC THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Ông Nguyễn Anh Quê
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6
Tình hình thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua được chia thành 2 bức tranh với hai gam màu đối lập. Một bức tranh mang gam màu xám nếu tính thời điểm từ tháng 1/2024 trở về trước và bức tranh còn lại mang màu sắc tươi sáng được tính từ tháng 1/2024 trở đi.
Trái ngược với bức tranh xám màu mang tính dò đáy, nhà đầu tư mất niềm tin, lượng giao dịch ở mức thấp thì bức tranh thị trường bất động sản từ thời điểm tháng 1/2024 đến nay đang dần hồi phục và nổi bật với "tia sáng" phân khúc chung cư.
Bên cạnh đó, phân khúc đất nền cũng đang trở lại trên thị trường bởi có nguồn cung lớn, nhiều mức giá từ thấp đến cao, tính thanh khoản nhanh. Nhưng sự sôi động của phân khúc đất nền đang tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng…; tại các trung tâm công nghiệp như: Bắc Ninh, Bắc Giang… và các địa phương phát triển du lịch như: Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang), Sapa (Lào Cai)…
Trong bối cảnh hiện nay, đối với những sản phẩm bất động sản có đầy đủ pháp lý, gắn liền với nhu cầu đầu tư kinh doanh và nhu cầu ở thực của người dân thì lượng giao dịch sẽ cao và ở chiều ngược lại, với những sản phẩm mang tính đầu cơ thì chỉ khi giá "ngộp" mới có thể giao dịch được.
Một điểm sáng trong bức tranh thị trường bất động sản đầu năm 2024 là các ngân hàng thương mại đã tích cực cho vay, nới lỏng điều kiện cho vay, nới lỏng mức vay cùng mặt bằng lãi suất thấp đã giúp cho người dân có nhu cầu mua nhà ở thực dễ dàng hơn trong câu chuyện vay vốn.
Có thể thấy, 2023 là một năm trọng điểm đối với thị trường bất động sản, đặc biệt trong công tác xây dựng, sửa đổi pháp luật có liên quan. Trên hành trình đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong công tác góp ý xây dựng và phản biện luật. Thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực tổ chức các hội thảo, hội nghị, toạ đàm, ghi nhận nhiều quan điểm nhận định, góp ý sâu sắc của những chuyên gia đầu ngành.
VNREA cũng luôn lắng nghe và tổng hợp thông tin thị trường cũng như hoạt động của doanh nghiệp để từ đó góp ý, kiến nghị lên Chính phủ, các bộ, ban ngành những giải pháp để điều chỉnh vấn đề còn tồn tại, giúp "tan băng" và khôi phục thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đặc biệt khó khăn vừa qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng thể hiện rõ vai trò là một tổ chức chuyên nghiệp với lượng hội viên lớn, là nơi hội tụ, kết nối các doanh nghiệp bất động sản trên cả nước để từ đó cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ, hỗ trợ trong việc nắm bắt thông tin M&A dự án, tư vấn thủ tục đầu tư, kết nối kinh doanh.
Năm 2024 là năm các luật liên quan tới thị trường bất động sản được chi tiết hóa, VNREA đã và sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật.
Là năm bản lề mở ra một giai đoạn phát triển mới cho thị trường bất động sản, tôi mong rằng trong năm nay, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối nhiều hơn, gắn kết hơn nữa các hội viên doanh nghiệp với nhau; đặc biệt hỗ trợ, đồng hành trong các vấn đề như: Hợp tác kinh doanh, M&A dự án… Đây là những nguồn lực sẵn có và chúng ta cần kết nối chặt chẽ để phát huy những thế mạnh đó.
Cuối cùng, tôi mong muốn thông qua Hiệp hội, các doanh nghiệp hội viên sẽ có cơ hội được bày tỏ quan điểm, tiếng nói của mình nhiều hơn nữa với các bộ, ban ngành, các lãnh đạo địa phương, các ngân hàng hay tổ chức tài chính quốc tế… để từ đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn, thủ tục đầu tư cũng nhanh chóng hơn.
LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM CỦA MỘT TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN CHO TIẾNG NÓI CỦA DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN
Ông Trần Đình Quý
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa
Trong thời gian qua, thị trường bất động sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những chuyển biến này xuất phát từ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban ngành từ Trung ương tới địa phương thông qua nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, việc thông qua 3 luật có liên quan trực tiếp tới thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được kỳ vọng sẽ rút ngắn đà phục hồi cho thị trường.
Đáng chú ý, mới đây, Thủ tướng đã ban hành Công văn 202/TTg-NN, đốc thúc và yêu cầu các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai mới sửa đổi, làm cơ sở để Chính phủ có thể đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Động thái này đã thúc đẩy tích cực cho tình hình chung của thị trường, giúp củng cố lại niềm tin của nhà đầu tư cũng như tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc cho thị trường bất động sản phát triển.
Cùng với đó, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà Nước đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành để đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất có thể nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp… hướng tới mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng. Một khi nền kinh tế phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển ổn định và mạnh mẽ của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các tuyến đường giao thông như cao tốc Bắc - Nam, quy hoạch các cảng hàng không tại các địa phương được kỳ vọng sẽ giúp cho việc thông thương đi lại thuận tiện hơn. Tôi cho rằng, quy hoạch hạ tầng giao thông hợp lý sẽ là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, bền vững của thị trường bất động sản.
Bức tranh tình hình kinh tế trong quý I/2024 đã có những dấu hiệu tích cực so với cùng kỳ và nhà đầu tư cũng đang dần quay trở lại với thị trường bất động sản. Đây là một điểm sáng trong bối cảnh hiện nay.
Thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thể hiện vai trò lớn trong việc kết nối các nhà đầu tư với cơ quan ban ngành, kết nối nhà đầu tư với địa phương và kết nối nhà đầu tư với nhau. Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội đã tập trung chủ động phản ánh vấn đề và đề xuất kịp thời các giải pháp với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Trong bối cảnh khó khăn chung, VNREA cũng là tổ chức có vai trò giúp sức, đồng hành cùng các cơ quan quản lý để bàn về các giải pháp cơ chế chính sách; quy trình, trình tự thủ tục hành chính trong quá trình triển khai đầu tư dự án; quy hoạch, giao đất... nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng đã mở rộng mạng lưới ra nhiều tỉnh thành trên cả nước và điều này cho thấy vai trò, vị thế của VNREA. Đồng thời cũng cho thấy Hiệp hội ngày càng được đón nhận, tin tưởng và ủng hộ từ các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Có thể nói, Hiệp hội đã làm tròn vai trò và trách nhiệm của một đơn vị đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản.
Tôi mong muốn rằng, trong thời gian tới, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng, củng cố mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình tại các địa phương. Việc này một mặt sẽ gia tăng sự kết nối của Hiệp hội với chính quyền các địa phương, mặt khác cũng giúp Hiệp hội lan tỏa rộng rãi hơn, giúp cho các doanh nghiệp hội viên từ nhiều vùng miền, văn hóa khác nhau có cơ hội được giao lưu, học hỏi./.