Đoàn lãnh đạo VNREA tham dự Hội nghị Uỷ ban Liên minh và Kinh doanh Toàn cầu

11:07 16/11/2023

Ngày 14/11, đoàn lãnh đạo VNREA do TS.LS. Đoàn Văn Bình làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Uỷ ban Liên minh và Kinh doanh Toàn cầu và có phần trình bày về cơ hội đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

Theo đó, tại Phiên họp toàn thể với sự tham dự của gần 10.000 đại biểu đến từ 57 quốc gia và hội viên Hiệp hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR), đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) – TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có bài phát biểu trình bày về bức tranh kinh tế và thị trường bất động sản tại Việt Nam, những lý do nên đầu tư vào Việt Nam và những điều cần biết khi đầu tư vào Việt Nam.

TS.LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam giới thiệu Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại Phiên họp.

Cụ thể, TS.LS. Đoàn Văn Bình cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực từ Chính phủ cho đến doanh nghiệp, người dân, tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn đạt mức 5,3% trong quý III/2023. Dự báo cả năm 2023, GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5%.

Với đầu tư công, 10 tháng đầu năm 2023 Việt Nam đã giải ngân được 19,6 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì tính từ đầu năm đến ngày 20/10, Việt Nam đã thu về 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản đạt 1.937 triệu USD.

Với ngành du lịch, khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, tính trong 10 tháng đầu năm 2023.

TS.LS. Đoàn Văn Bình cũng nêu ra 10 lý do mà nhà đầu tư nước ngoài nên đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh trình bày khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023, TS.LS. Đoàn Văn Bình cũng đã phân tích những lý do mà nhà đầu tư nước ngoài nên đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, một là nền chính trị ổn định, mang lại an ninh, an toàn cho đầu tư nước ngoài.

Hai là Việt Nam có Tầm nhìn và Chiến lược phát triển đất nước đến 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Ba là thể chế kinh tế đồng bộ, hiện đại và đang tiếp tục được hoàn thiện hơn.

Thứ tư là Việt Nam có lợi thế nền kinh tế mở với 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, 4 FTAs đang đàm phán. Và trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 5 nước có nền kinh tế phát triển như: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và Hoa Kỳ (2023). Điều này tạo cơ hội rất lớn để Việt Nam hoà nhập và mở rộng không gian thị trường toàn cầu.

Năm là GDP tăng trưởng đều đặn hàng năm 6 - 7%.

 Hội nghị Uỷ ban Liên minh và Kinh doanh Toàn cầu

Sáu là Việt Nam có hơn 100 triệu dân với cấu trúc dân số trẻ, tạo ra một nguồn nhân lực dồi dào với mức lương cạnh tranh. Mỗi năm có thêm trên 1 triệu trẻ em mới sinh ra dẫn đến nhu cầu về nhà ở và các dịch vụ thiết yếu luôn tăng cao.

Bảy, tầng lớp trung lưu gia tang nhanh chóng là yếu tố thúc đẩy giao dịch bất động sản.

Tám là đô thị hóa với tốc độ 1%/năm, đến nay đã đạt được 43%. Dự kiến đến năm 2025, đô thị hoá tại Việt Nam đạt 45% và đến 2030 là 50%.

Chín là đầu tư công được chú trọng giải ngân đầu tư. Đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng, có thể kể đến: Cao tốc Bắc Nam, các vành đai của Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, sân bay quốc tế Long Thành

Mười là chỉ số Tổng giá trị bất động sản toàn cầu so với GDP toàn cầu đến năm 2020 là 4 lần (326,5 nghìn tỷ USD/85 nghìn tỷ USD), trong khi Việt Nam chưa đến 1 lần. Điều này chứng tỏ, tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản tại Việt Nam còn rất lớn. Đặc biệt, vai trò của lĩnh vực bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam ngày càng được nhìn nhận và thể hiện rõ như: Bất động sản đóng góp khoảng 13 - 14% GDP, có sức lan tỏa đến 40 ngành nghề và 2.500 sản phẩm, dịch vụ trong nền kinh tế… thì bất động sản Việt Nam đang thực sự là một điểm đến đầy hấp dẫn.

Đoàn lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tham quan NAR EXPO.

Để giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn những quy định pháp lý khi đầu tư vào Việt Nam, TS.LS. Đoàn Văn Bình chia sẻ, liên quan đến lĩnh vực bất động sản, Việt Nam đang quy định tại nhiều bộ luật khác nhau, song Luật Đầu tư là luật cơ bản cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người nước ngoài khi đến Việt Nam, được mua và sở hữu tối đa 30% căn hộ chung cư và 10% nhà đất trong một dự án phát triển nhà ở thương mại. Thời hạn sở hữu tối đa là 50 năm và có thể gia hạn một lần. Với người Việt Nam ở nước ngoài thì có đầy đủ các quyền giống như người Việt ở trong nước.

Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, người nước ngoài có thể đầu tư vào 4 loại hình bất động sản tại Việt Nam gồm: Căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ; biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố thương mại; khu công nghiệp; văn phòng.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên của Hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR) tại Los Angeles, ngày 13/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã ký kết thoả thuận hợp tác song phương với NAR.

Tác giả: Tùng Dương