Doanh nghiệp hội viên VNREA phát huy sức mạnh gắn kết để “vượt bão”

14:51 27/11/2023

Trong bối cảnh thị trường BĐS sẽ còn có thể đối diện với khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp hội viên VNREA nhấn mạnh cần gắn kết, chia sẻ để cùng nhau vượt khó, trong đó vai trò của Hiệp hội rất quan trọng.

Doanh nghiệp đã "tung hết võ", thấm thía sự khó khăn của thị trường

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027, các chuyên gia, doanh nghiệp hội viên đều nhận định, sức khỏe thị trường bất động sản hiện còn rất yếu do các khó khăn trên thị trường chưa được giải quyết và nền kinh tế đang còn nhiều bất định.

Cụ thể, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, những khó khăn của thị trường hiện nay đang càng ngày càng rõ và khả năng sẽ tiếp tục khó trong thời gian tới, chứ chưa nhìn thấy sự tươi sáng rõ ràng. Nguyên nhân là do hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cấu trúc thị trường đã bộc lộ nhiều vấn đề. Riêng khu vực doanh nghiệp Việt Nam và thị trường nội địa đã cho thấy rõ những điểm yếu về nền tảng.

Phân tích rõ hơn về những yếu tố tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết, kinh tế thế giới đang chưa có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tình hình Trung Quốc cho đến nay vẫn rất khó đoán, nhưng rõ ràng là kinh tế Trung Quốc đang khó khăn.

Ở trong nước, những vướng mắc về mặt cơ chế chính sách, đặc biệt là những đại án như vụ việc Vạn Thịnh Phát khả năng sẽ tác động mạnh, chứ không hề bình thường tới nền kinh tế nước ta. “Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra. Vụ việc này có thể tạo ra dư chấn lên bộ máy, lên hệ thống kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào, không thể đoán hết được. Những người trong cuộc cần đặc biệt lưu ý đến tình thế này, bởi tôi nghĩ tác động tiêu cực, dư chấn sẽ rất mạnh. Nền kinh tế thị trường vốn đã yếu thì khả năng bị tổn thương cũng rất lớn”, ông Thiên đánh giá. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: Tùng Dương)

Nhận diện thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Constrexim cũng cho rằng, thị trường đang tồn tại nhiều cái khó, mà khó nhất là cơ chế chính sách. Vì vậy, sức khoẻ của thị trường dự báo sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục.

Theo ông Cây, cơ chế chính sách của Việt Nam chưa thực sự ổn định, nhiều bất cập do luật chồng luật, thực hiện luật này có thể không phù hợp với luật kia, thông tư văn bản hướng dẫn của bộ nào thì thường mang đậm dấu ấn bảo vệ quyền lợi của bộ đó. Do đó, bế tắc nhất hiện nay vẫn là vấn đề cơ chế, chứ không phải vấn đề không vay được tiền hay thiếu tư duy làm bất động sản…

“Mới đây, Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vào kỳ họp gần nhất năm 2024 bởi sự phức tạp của nó. Tôi được biết đã có trên 1.000 cuộc hội thảo từ Trung ương đến địa phương để bàn bạc, góp ý cho dự thảo sửa đổi Luật, tuy nhiên đến hiện tại vẫn còn nhiều vấn đề chưa có ý kiến thống nhất. Khi luật chưa điều tiết kịp thời, thì người phải gánh chịu chính lại là các doanh nghiệp. Do vậy có thể nói, thị trường vẫn đang cực kỳ khó khăn”, ông Nguyễn Đức Cây nhận định.

Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim (Ảnh: Tùng Dương)

Là doanh nghiệp phát triển bất động sản hoạt động chủ yếu ở khu vực phía Nam, hơn ai hết, ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi là người hiểu rõ nhất tình trạng suy yếu của thị trường bất động sản hiện nay.

Ông Thành cho biết, sau 3 - 4 quý gồng gánh, xoay xở đủ hướng, có giảm giá, có tăng chiết khấu để kích thích thanh khoản và nhìn chung đã “tung hết võ”, doanh nghiệp mới cảm nhận được hết sự “bế tắc” của thị trường.

Kể về câu chuyện doanh nghiệp mình, ông Thành chia sẻ, có những sự kiện bất động sản được tổ chức với khoảng 200 khách hàng, nhưng rồi cuối cùng không có một giao dịch nào được thực hiện. Người đi xem và người quan tâm rất nhiều nhưng không ai xuống tiền.

"Có lẽ chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, đây là thời điểm khó khăn chưa từng có trong lịch sử nền kinh tế Việt Nam.

Tôi nhìn lại 4 chu kỳ của thị trường bất động sản, các chu kỳ trước chỉ khoảng 8 - 10 năm, nhưng chu kỳ này do Covid-19 nên đã kéo dài 13 năm. Với 13 năm đi lên, thì thị trường sắp tới có khả năng sẽ đi ngang và đi xuống nhiều hơn. Chưa kể, đợt này còn có nhiều vấn đề khác liên quan như thể chế.

Rồi mở máy tính, điện thoại lên là dễ thấy thông tin tiêu cực, đặc biệt là những vụ việc liên quan đến thị trường bất động sản. Như vậy, thị trường muốn tốt lên cũng còn khó”, lãnh đạo Tập đoàn Thắng Lợi bày tỏ và cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định thị trường có lẽ sẽ còn khó khăn kéo dài đến năm 2025 - 2026, chứ không chỉ năm 2024.

Do đó, đến giai đoạn này, một trong những giải pháp là doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình, phải thay đổi về cấu trúc sản phẩm. Những dự án trước đây bán 30 - 40 triệu đồng/m2, giờ giảm xuống bán 20 - 25 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó cũng phải chấp nhận bán bớt dự án để lấy dòng tiền "cứu" doanh nghiệp.

"Bởi chúng ta cũng cần nhìn nhận lại rằng, mấy năm vừa qua, doanh nghiệp cũng đã góp phần vào việc đẩy thị trường lên quá. Nên giờ chúng ta phải tự cứu lấy mình là như vậy", ông Dương Long Thành nói.

Tăng cường sự gắn kết vì mục tiêu chung

Trong bối cảnh những khó khăn vẫn chưa vơi đi, dự báo tình hình thị trường thời gian tới còn khó đoán, ông Dương Long Thành nhấn mạnh càng những thời điểm như hiện nay, vai trò của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam càng quan trọng; các doanh nghiệp Hội viên cũng cần dành thời gian chia sẻ, gắn kết, phát huy sức mạnh đoàn kết truyền thống của người Việt Nam.

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thắng Lợi (Ảnh: Tùng Dương)

"Thời điểm hiện tại là lúc để phát huy sức mạnh của Hiệp hội thông qua việc gắn kết các hội viên. Tính liên kết với nhau là điều vô cùng cần thiết.

Cụ thể, ở giai đoạn này, những Chủ tịch, những Tổng giám đốc, những thành viên ban lãnh đạo của các tập đoàn tham gia trong Hiệp hội sẽ phải liên kết với nhau. Bên cạnh việc tham gia đóng góp chính sách, kiến nghị lên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến vấn đề thể chế thì chúng ta cần cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện để học hỏi kinh nghiệm, bởi mỗi doanh nghiệp đều có cái hay riêng để tham khảo kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, trong mỗi doanh nghiệp ngành bất động sản cũng có những công việc đặc thù riêng có thể liên kết các tập đoàn với nhau. Ví dụ, các nhân sự liên quan đến pháp chế, pháp lý dự án có thể cùng trao đổi, đóng góp chia sẻ. Những giám đốc phụ trách vấn đề quy hoạch của các tập đoàn cũng có thể cùng ngồi với nhau. Các giám đốc kinh doanh có thể liên kết lại với nhau để thúc đẩy cho thị trường trong giai đoạn này. Có nghĩa rằng, giữa các doanh nghiệp tăng cường hơn nữa việc giao tiếp và truyền thông, nên có các nhóm trao đổi chuyên môn sâu", Chủ tịch Tập đoàn Thắng Lợi chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Cây cũng cho rằng, hiện tại là thời điểm rất cần sự chia sẻ, gắn kết, kết nối. Mà có một bài học kinh nghiệm rất tốt là tổ chức hội nghị chuyên đề để học tập được kinh nghiệm hay của các doanh nghiệp khác đã làm.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cũng nhận định, việc quan trọng hàng đầu để phát huy hơn nữa tiếng nói của Hiệp hội trong bối cảnh thị trường chịu nhiều thách thức là cần làm sao để các hội viên, thành viên của Hiệp hội gắn kết hơn. Vì vậy, đại diện doanh nghiệp đề xuất lãnh đạo VNREA nghiên cứu vấn đề này để có những giải pháp định hướng hoạt động, giúp kết nối các hội viện, nhất là khi tình hình khó khăn của thị trường sẽ còn kéo dài ít nhất tới cuối năm 2024./.

Tác giả: Tùng Dương