Hà Nội: Người dân ngày càng hứng thú với "sản phẩm xanh"

10:07 10/09/2020

Hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng lên thì việc sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên, chất liệu tái chế, có khả năng tự phân hủy trong tự nhiên ngắn như túi giấy, màng bọc sáp ong... ngày càng phổ biến.

Đáp lại thị hiếu của khách hàng, nhiều công ty, cửa hàng bán lẻ kinh doanh các sản phẩm “xanh” cũng bắt đầu phát triển và cho ra nhiều sản phẩm đa dạng góp phần bảo vệ môi trường.

Sản phẩm "xanh" lên ngôi

Hưởng ứng phong trào sống xanh, “nói không” với rác thải nhựa, từ cửa hàng kinh doanh nhỏ đến thương hiệu lớn đã có cách riêng để bảo vệ môi trường như: “khai trừ” ống hút nhựa, ly nhựa bằng ly giấy, ống hút làm từ cỏ, tre, túi đựng sản phẩm đều là túi giấy … hoặc khuyến khích khách mang theo đồ đựng cá nhân khi tới mua hàng. Với xu hướng người tiêu dùng ngày càng ý thức được bảo vệ môi trường từ những thói quen nhỏ nhất, sức tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường đã tăng mạnh.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường ra đời.

Anh Lê Tuấn Hiệp, chủ cửa hàng nhỏ trên phố Đội Cấn (Hà Nội) chuyên cung cấp các sản phẩm làm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường chia sẻ rằng, anh mở cửa hàng chỉ với mong muốn mang những sản phẩm chất lượng từ thiên nhiên, an lành và có tính địa phương tới mọi người. Sản phẩm đều là những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày nên chúng cũng là cách để thay đổi thói quen của mọi người giúp bảo vệ môi trường hơn.

“Dù mới ra mắt trong thời gian ngắn nhưng một số mặt hàng như túi giấy hay ống hút giấy được khách hàng chọn mua nhiều. Chúng luôn trong tình trạng “cháy hàng”, sản xuất và nhập bán không kịp” anh Hiệp nói.

Chị Hoàng Ngọc Ngân (nhân viên văn phòng tại Láng Hạ) chia sẻ, “Hầu hết các sản phẩm trong gia đình mình đều đã được thay bằng các sản phẩm “xanh”. Có rất nhiều sản phẩm như bàn chải, khăn mặt, màng bọc thực phẩm bằng sáp ong… được thiết kế đơn giản nhưng nó an toàn với bản thân và gia đình mình, quan trọng hơn là hành động của mình cũng đang góp phần bảo vệ môi trường”.

Sản phẩm ống hút giấy luôn nằm trong tình trạng "cháy hàng".

Chị Ngân cho biết, không chỉ có mình chị, có rất nhiều nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như bình nước tre, túi vải, ống hút giấy… với mục đích bảo vệ môi trường. Lúc đầu chỉ là hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa từ cấp trên, sau đó sử dụng quen thấy thích và nhận thấy đây là một việc làm có ý nghĩa nên mọi người có giới thiệu với nhau, lập nhóm chia sẻ thêm về những sản phẩm này.

Không chỉ ở các cửa hàng “xanh”, các cửa hàng kinh doanh bán lẻ, các chuỗi cửa hàng, trung tâm siêu thị cũng có các sản phẩm “xanh” cung cấp cho người tiêu dùng. Gian hàng sản phẩm ống hút giấy, túi giấy… được trưng bày ngăn nắp với đa dạng các mẫu mã thu hút người tiêu dùng.

Bác Nguyễn Thị Lan (Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội) cho hay “Nhà bác có trẻ nhỏ, trước thì dùng ống hút nhựa cho các cháu uống nước, cũng chỉ dùng một lần xong bỏ thôi. Sau khi được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, siêu thị gần nhà cũng có các loại ống hút giấy thân thiện với môi trường thì bác đổi hẳn sang dùng ống hút giấy luôn”

Mô hình kinh doanh bền vững

Có thể thấy rằng trong vài năm trở lại đây, người dân đã nhận thức rõ hơn về tác hại của việc sử dụng nhựa với sức khỏe và môi trường. Người tiêu dùng đang dần chuyển sang phong cách sống xanh.

Bắt kịp xu thế trên đã có rất nhiều “cửa hàng xanh” ra đời. Hà Nội cũng có không ít cửa hàng kinh doanh sản phẩm “xanh” hướng tới tiêu chí bảo vệ môi trường đều cung cấp các sản phẩm như mỹ phẩm thiên nhiên, sản phẩm tẩy rửa hữu cơ, ống hút giấy, túi giấy… Bằng các chất liệu khác nhau nhưng đều là các sản phẩm từ thiên nhiên thân thiện với môi trường, góp phần thay thế thói quen sử dụng nhựa và các sản phẩm hóa học.

Các sản phẩm "xanh" rất đa dạng, hoàn toàn có thể thay thế các sản phẩm sinh hoạt thường dùng.

Theo chị Nguyễn Hồng Nhung, một chủ cửa hàng “xanh” tại Hoàng Hoa Thám, các sản phẩm từ thiên nhiên có giá thành cao hơn so với các sản phẩm nhựa và hóa học trên thị trường nên việc kinh doanh khá khó khăn. Nhưng vì ước mơ mang những sản phẩm thiên nhiên vào đời sống và có thể đóng góp một phần trong việc thay đổi nhận thức của mọi người về bảo vệ môi trường nên cửa hàng vẫn được duy trì.

“Một tín hiệu đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, nhờ truyền thông, các tổ chức môi trường trong nước và thế giới tuyên truyền, người dân đã dần nhận thức rõ hơn về tác hại của rác thải nhựa. Lượng khách và đơn hàng mỗi ngày đều tăng khiến mình thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn. Chính vì thế mục đích và ước mơ “xanh” của những cửa hàng bán sản phẩm thân thiện với môi trường đã có động lực để duy trì và phát triển”, chị Nhung chia sẻ.

Gian hàng bán dụng cụ giấy tại các trung tâm siêu thị nhận được sự hưởng ứng từ người dân.

Bạn Hà (Sinh viên tại Hà Nội) tâm sự: “Từ hành động đơn giản như không phục vụ ly nhựa, ống hút nhựa hay túi nilon ở các quán cà phê mà em đã dần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của mình. Các cửa hàng “xanh” cũng đã dần có thêm nhiều sản phẩm đa dạng đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mọi người. Mỗi người chỉ cần thay đổi một chút là đã có thể góp phần bảo vệ môi trường sống cho tương lai sau này”

Sự gia nhập vào cuộc chiến nói “ không” với rác thải nhựa của nhiều mô hình kinh doanh sản phẩm “xanh” đã góp phần lan tỏa lối sống thân thiện với môi trường, mang lại nhiều giá trị cộng đồng to lớn. Hy vọng trong tương lai, sẽ có nhiều hơn những của hàng “xanh” mang sản phẩm thân thiện môi trường tới người tiêu dùng cùng sự chung tay góp sức bảo vệ môi trường của các thế hệ người Việt.

Tác giả: Theo Ngọc Trâm/kinhtemoitruong.vn