Khai mạc Diễn đàn nguồn nhân lực Bất động sản Việt Nam năm 2023 – 2024

16:16 12/08/2023

Chiều 12/8, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Đại hội Liên Chi hội đào tạo Bất động sản Việt Nam (VNREEA), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sự kiện Diễn đàn nguồn nhân lực Bất động sản Việt Nam năm 2023-2024

“Diễn đàn nguồn nhân lực Bất động sản Việt Nam 2023-2024” với chủ đề “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững”.

Tham dự sự kiện có thành phần là các đại biểu hội viên VNREEA, đại diện lãnh đạo VNREA, các đơn vị trực thuộc VNREA, đại diện các trường Đại học, doanh nghiệp BĐS, và phóng viên báo đài.

Tại đây, các diễn giả, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp bất động sản đa cùng trao đổi và thảo luận về các nội dung chính về thực trạng nguồn nhân lực bất động sản Việt Nam; nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu năng lực trong ngành bất động sản, thực tế tại doanh nghiệp; giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành bất động sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Lần đầu tiên, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực bất động sản được đề cập đầy đủ, toàn diện thẳng thắn ở quy mô tương xứng với vai trò và sự đóng góp của ngành bất động sản Việt Nam.

Ngoài việc khơi lên các vấn đề nóng, các thực trạng tồn tại đã lâu đang gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, Diễn đàn đã đưa ra bức tranh tổng thể về ngành nghề đào tạo cũng như định hướng phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực bất động sản chất lượng cao trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn về cả chất và lượng.

THIẾU NGUỒN NHÂN LỰC BÀI BẢN CHO NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN

Tại diễn đàn, các đại biểu, đại diện doanh nghiệp… đã cùng nhau bàn về thực trạng và nhu cầu ngành bất động sản.

- Ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc Vận hành An Gia Group:

Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân ngày càng nhiều. Các dòng sản phẩm như chung cư, cao ốc… nhu cầu sở hữu ngày càng cấp bách, nhưng cũng đặt ra vấn đề tranh chấp chung cư ngày càng nhiều.

Trên thực tế, nhân sự ngành bất động sản đang được đào tạo tự phát, không có sự xâu chuỗi, bài bản, đa phần là nghề truyền nghề. Điều này đặt ra nhu cầu là làm sao có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp từ đầu tư, thiết kế sản phẩm, kinh doanh bán hàng, quản lý khai thác bất động sản…., làm sao có đội ngũ nhân sự bài bản, có nghề, đóng góp cho xã hội.

Hiện nay, nguồn nhân lực bất động sản chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu của doanh nghiệp. Nhân sự mang tính bản năng, thiếu kiến thức pháp luật – xã hội, còn nhiều trường hợp môi giới tâng bốc sản phẩm quá nhiều.

- Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam:

Chúng ta quá thiếu nguồn nhân lực ở các cấp, nếu các cấp có nguồn nhân lực tốt thì chúng ta đã khác. Chúng ta không phủ nhận thời gian qua rất thành công khi chúng ta có điều kiện không thua kém nước ngoài, tốc độ phát triển nhanh. Hai mươi năm trước, chúng ta đều phải mua mọi thứ ở nước ngoài, nhưng bây giờ đã đầy đủ. Nhưng đáng tiếc là trong quá trình phát triển chúng ta triển khai nguồn nhân lực chưa tốt, cách triển khai chưa hiệu quả.

Đối với từng ngành và từng lĩnh vực thì đều có chương trình hết sức bài bản đào tạo nguồn nhân lực từ thấp đến cao, ngay từ lúc vào ngồi ở ghế nhà trường. Trong quá trình đào tạo đại học, khi công nghệ ngày càng phát triển, thì đào tạo nhân lực phải đi theo mới kịp. Cái thiếu của chúng ta là nguồn nhân lực ở các các cấp.

Nguồn nhân lực cho bất động sản cũng vậy. Ví dụ, môi giới đang quá tải, luôn làm phiền người khác, nhưng người đi làm môi giới lại không hiểu biết gì, chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt mà gây phiền hà cho người khác. Do đó, môi giới bất động sản cần hiểu rằng mỗi loại bất động sản đều có những đặc thù khác nhau, người làm môi giới phải hiểu nó là gì, vai trò nó ra sao và mối quan hệ với các ngành khác như thế nào. Môi giới phải hiểu mới làm được, chứ không thể thấy có lợi nhảy vào rồi nghĩ rằng bạn đang làm rất tốt.

Tôi rất mừng vì Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã nhìn ra điều này và thành lập Liên Chi hội đào tạo Bất động sản Việt Nam. Tôi hy vọng thời gian ngắn sẽ có kết quả cụ thể. Tôi công nhận Liên Chi hội hoạt động rất bàn bản, nhưng để ra kết quả tốt nhất thì đầy gian truân. Chúng ta cần phải quan tâm, phải có khát vọng hơn nữa thì mới ra được hiệu quả tốt nhất. Chúng ta cần làm bài bản, đi từng trường hợp khác nhau và có những định hướng khác nhau để có phương pháp đào tạo tốt nhất.

Bất động sản Việt Nam đứng thứ 2 sau ngành công nghiệp chế tạo thôi, vừa qua chúng ta phát triển bất động sản đứng thứ 2 trong số 18 ngành nghề. Nhưng vấn đề là giá trị thực tiễn từ thu hút vốn từ nước ngoài là quá hạn chế, do chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực. Chúng ta cần nhìn thấy vấn đề này, cần liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư nước ngoài, bằng cách nâng cao nguồn nhân lực để kết nối hiệu quả hơn.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận thứ nhất bàn về thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực bất động sản

- Ông Đặng Đình Toàn, Chủ tịch Công ty cổ phần Bất động sản VieTera:

Tôi đánh giá các nhà môi giới bất động sản tại Việt Nam rất chuyên nghiệp, đẳng cấp, số lượng giao dịch họ hoàn toàn chốt được vài chục deal trên 1 tháng. Nền tảng video ngắn, digital marketing, update các công cụ rất bài bản, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rằng đây là thế hệ rất chất lượng, nhanh nhạy với thời thế.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng chúng ta rất khan hiếm. Có thể thấy năm qua các sàn môi giới sẵn sàng đào thải nhân lực, song một số chủ đầu tư lớn vẫn cần hàng ngàn môi giới, đó là sự đối lập. Khi không cần thì họ sẵn sàng cắt, nhưng bây giờ thì lại tuyển dụng ồ ạt để đảm bảo ra hàng.

Làm thế nào để đánh giá một nhà môi giới chuyên nghiệp, thứ nhất là họ phải nghiêm túc theo đuổi đến cùng, thứ hai là đầu tư về đạo đức, tầm nhìn dài hạn, sau cùng là rèn giũa, phát triển bản thân. Trong quá trình họ sẽ trau dồi, phát triển. Khi thị trường tốt, thì ranh giới giữa môi giới chuyên nghiệp và không chuyên rất khó phân ranh, nhưng khi thị trường khó khăn chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ điều này. Do đó, môi giới là phải trang bị kiến thức, đạo đức, kỹ năng và phải chứng minh được giá trị của mình kể cả khi thị trường khó khăn.

- Bà Mai Thị Hồng Quyên, Giám đốc Kinh doanh SunProperty khu vực miền Nam:

Tôi cũng trăn trở nhiều về nguồn nhân lực ngành bất động sản. Con người, nhân sự trong lĩnh vực bất động sản không chỉ là môi giới bán hàng, mà còn là quy trình từ khi còn manh nha sản phẩm trên giấy là cần phải có nguồn lực rồi, là một chuỗi khép kín và rất rộng, cần nguồn nhân lực cao ở các mắt xích đó.

Riêng trong bất động sản nghỉ dưỡng, hiện nay đã qua giai đoạn mua căn nhà đầu tiên rồi, mà là sản phẩm thứ 2, thứ 3, càng lúc càng cần phải tiến hóa hơn nữa, cần phải mang đến trải nghiệm khác biệt hơn nữa. Vai trò của bất động sản không chỉ đơn thuần phân lô bán nền, cắt đất bán mà đó là giá trị gia tăng, môi trường sống, giá trị hưởng thụ.

Ngoài vấn đề của doanh nghiệp bất động sản gặp phải, chúng ta phải đối mặt với nhân lực bất động sản phát triển tốt nhưng thiếu sự trải nghiệm. Không thể phủ nhận chúng ta đang phát triển nhanh để hội nhập, nhưng cần có thời gian để sắp xếp, hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo, cho doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

Doanh nghiệp cũng phải tham gia với vai trò trách nhiệm trong việc hỗ trợ gia tăng chất lượng cho nguồn nhân lực này. Nghành bất động sản đào thảo rất nhanh, phần lớn nhân lực tham gia vào ngành dễ nhưng đào thải cũng rất nhanh, do đó chúng ta chưa có cái nhìn nghiêm túc đối với nghề. Nhân sự chất lượng cao đã ít, còn phải cạnh tranh với phân khúc nhỏ hơn, do đó chúng tôi cần thêm những nguồn nhân lực chuyên nghiệp, hiểu đúng về bất động sản thì mới có thể tham gia các khâu tốt hơn. Do đó, cần phải gia tăng đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng hơn.

- Ông Tống Trần Dương, CEO & Founder của Công Ty Bất Động Sản HomeNext

Bản thân tôi vừa là chủ doanh nghiệp, vừa là nhà đào tạo nên với góc nhìn đa chiều, tôi nhận thấy nhân sự bán hàng rất quan trọng, môi giới cần sự chính trực, chuyên nghiệp (thông tin đầy đủ cho khách hàng), chứ không dùng chiêu trò. May mắn là tôi nhận thức sớm, tôi đã có 2 năm huy hoàng khi môi giới của tôi không phát tờ rơi, trực tiếp, chỉ đứng trong văn phòng bán cho người nước ngoài, và họ chuyển hóa sự chuyên nghiệp đó để có khách hàng.

Tôi nhận thức được câu chuyện đào tạo liên quan mật thiết đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, và thậm chí tránh được cả vòng lao lý trong trường hợp môi giới không trung thực. Muốn hay không chúng ta phải nhìn nhận đào tạo là việc hằng ngày, doanh nghiệp nào làm câu chuyện này trước sẽ có lợi thế rất bền vững và mạnh mẽ trong công cuộc cạnh tranh nguồn nhân lực.

CẦN SỰ LIÊN KẾT GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ TRƯỜNG ĐỂ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN

- Ông Nguyễn Đức Lập, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản

Vấn đề lớn nhất là quy định pháp luật trong hoạt động ngành nghề kinh doanh bất động sản gần như không có rào cản nào để gia nhập ngành, cho nên cứ hễ thị trường sốt lên là người người gia nhập thị trường. Trong quy trình bất động sản, dịch vụ môi giới chỉ là ngách rất nhỏ nhưng nó hiện diện nhiều trên thị trường.

Trong năm 2019, dữ liệu cho thấy thị trường có 300.000 môi giới nhưng chỉ 10% có chứng chỉ. Hiện nay, môi giới gia nhập tự do, không cần học. Rất nhiều tổ chức chỉ hợp thức hóa để làm, mà không yêu cầu gì gắt gao, dẫn đến phát sinh thị trường thiếu minh bạch.

Hiện nay, chúng ta nghĩ rằng việc học bất động sản chỉ là lý thuyết, không có giá trị thực tiễn, tuy nhiên quan điểm này là sai. Khi chúng ta có lý thuyết vững thì áp dụng vào thực tế rất sáng. Hiện nay, doanh nghiệp cũng chỉ giải quyết bài toán trước mắt của thị trường, nhưng không đi sâu giải quyết bài toán của xã hội, của đất nước. Hy vọng Liên Chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam đồng lòng lại, thông qua mảng giáo dục, các trường Đại học nên lồng ghép cho học viên giữa thực chiến và lý thuyết vững vàng, để gia tăng về chất lượng. Vai trò của Liên Chi hội có thể đề xuất nghiên cứu bộ quy chuẩn quốc gia, kiểm định, giám sát để đảm bảo ra một bộ quy chuẩn về đào tạo và thực tế tuyển dụng trong lĩnh vực này.

- TS. Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Đại Học Nông Lâm TP.HCM

Nhân lực rõ ràng chúng ta đang thiếu, nhưng yếu cũng cần làm rõ. Nhân lực hiện nay yếu vì họ là tay ngang, chứ không phải không có những trường đào tạo bài bản. Hiện nay, có khoảng 20 trường đào tạo ngành này. Đại học Nông lâm TP.HCM cũng đã đào tạo được 20 năm về quản lý đất đai, công nghiệp địa chính, quản lý đô thị… Chúng ta không chỉ phát triển nguồn nhân lực trong nước mà còn cả quốc tế.

Bất động sản là một hệ sinh thái rất rộng, do đó cần phải phát triển nguồn nhân lực thật mạnh để đáp ứng. Cầu đang lớn, nhưng cung đang chênh, chúng ta có thể nói về thiếu, nhưng cẩn trọng khi nói rằng nhân lực chúng ta đang yếu. Hiện nay, các trường đào tạo này không yếu, mà yếu là do tay ngang, và chúng ta cần phải có sự đào tạo, liên kết tốt hơn giữa các đơn vị đào tạo để nguồn cung chất lượng hơn.

- TS. Duarte Alonso Abel, Trưởng Bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Đại học RMIT

Các doanh nghiệp trên thế giới đã tính đến việc đào tạo, cấp chứng chỉ, liên quan đến sự phát triển của ngành bất động sản trên thế giới. Họ có chứng chỉ liên quan đến tòa nhà, các chứng chỉ xanh ở các tòa nhà, và điều này đang diễn ra mạnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường cũng có những khoảng cách lớn, khi Việt Nam đối mặt với chi phí xây dựng, kỹ thuật chưa cao, và tôi nhận thấy về số lượng giảm sút trong đào tạo chuyên ngành bất động sản qua các năm.

Chúng ta cũng cần học hỏi các bài học ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc…Họ có tỷ lệ thay đổi nhân sự ngành bất động sản rất thấp. Chúng ta có thể tiếp cận ngay từ học sinh cấp 2, cấp 3, để cho các bạn trẻ thấy được giá trị của ngành và am hiểu hơn về bất động sản, để chúng ta có thể có được nguồn nhân lực bền vững và dài hơi hơn trong tương lai.

- PGS.TS.LS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu

Môi giới hiện nay không có chất lượng, không có chứng chỉ, thậm chí có chứng chỉ rồi thì chỉ là xong, nhưng không giám sát, hậu kiểm xem người đó làm việc như thế nào. Trong khi đó, việc cấp bằng, chứng chỉ lại quá dễ dãi, có chứng chỉ thì họ không cần phải học ở trường Đại học. Thậm chí, có những sinh viên học xong 3-4 năm, cầm bằng cấp ra trường, còn không bằng một người có chứng chỉ 2-3 tháng. Do đó, trường rất khó tuyển sinh.

Định hướng đào tạo về bất động sản, không chỉ riêng trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, mà các trường đều có mong muốn đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng. Đặc biệt, hôm nay là ngày Đại hội Liên chi hội đào tạo Bất động sản Việt Nam, Hiệu trưởng của các trường lớn đều rất bận nhưng chúng tôi coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường, nên chúng tôi tề tựu về đây.

Bất động sản là một tài sản trước, rồi sau đó mới đến các vấn đề khác về kinh doanh, giao dịch. Trường chúng tôi hướng đến đào tạo nhiều đối tượng, kể cả lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, họ phải có kiến thức, kỹ năng. Đối tượng đào tạo thứ nhất là cán bộ công chức, thứ hai là chủ thể cung cấp dịch vụ bất động sản, thứ ba là nhóm xã hội thụ hưởng lợi ích đó. Cuối cùng là nhóm bổ trợ cho hoạt động này, ví dụ bên công chứng cũng rất cần thiết.

Đào tạo nhân lực ngành bất động sản thứ nhất phải nắm vững chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bất động sản nếu không nắm chủ trương, chính sách thì không làm được. Phải có kiến thức về bất động sản, các loại hình, xu thế, nghiệp vụ, kỹ năng, chế tài về bất động sản, đó là một vòng tròn đều đòi hỏi phải đào tạo. Hiện nay, chúng ta chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, mà không biết rằng phía sau là pháp luật, là chế tài, và thậm chí bỏ qua những điều đó khiến thị trường trở nên méo mó.

Tôi nghĩ cần có sự kết nối thành một vòng tròn giữa trường và doanh nghiệp, thậm chí sau khi đào tạo, chúng tôi gửi sinh viên về cho doanh nghiệp luôn chứ họ không cần phải đi tuyển dụng ở đâu xa. Do đó, để phối hợp tốt hơn và đào tạo thành nguồn nhân lực bài bản hơn thì doanh nghiệp cũng cần cộng hưởng với nhà trường từ những ngày đầu tiên.

Chúng ta có trách nhiệm cộng hưởng, hỗ trợ lẫn nhau chứ không chỉ đơn giản là liên kế. Và khi đội ngũ nhân lực chất lượng này ra trường thì doanh nghiệp có sẵn đội ngũ này để làm việc. Trường sẵn sàng đào tạo sinh viên theo doanh nghiệp đặt hàng, như vậy chúng ta sẽ có sự cân bằng về cung cầu.

- PGS.TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực

Có 3 điều tôi muốn chia sẻ:

Thứ nhất, tôi muốn chia sẻ một tư duy mở, đó là đào tạo nhân lực bất động sản. Nhưng quan điểm của tôi, đầu tiên là hướng tới phát triển nguồn nhân lực bất động sản. Chúng ta nghĩ rằng đó là câu chuyện đào tạo, bồi dưỡng, và sau đó là sử dụng nguồn nhân lực. Nhưng chúng ta cần phải hiểu nhân lực trong bất động sản phải tiếp cận kỹ năng, kiến thức chuyên ngành rất nhiều. Chúng ta nói rất nhiều đến môi giới, bán hàng, nhưng đó chỉ là một phần, còn có nhiều vấn đề quan trọng khác như thẩm định giá.

Ngoài ra, quản lý kinh doanh bất động sản cũng cực kỳ quan trọng. Trong nhóm này, chúng ta phải có bản đồ về nhân lực, phải xem xét chuyên ngành nào tạo nên nguồn nhân lực bất động sản trong tương lai phù hợp. Chúng ta phải xây dựng chương trình đào tạo từ đại học.

Với câu chuyện tư duy như vậy, nếu chúng ta bắt tay vào thì sẽ xây dựng được bản đồ về nhân lực. Đặc biệt tôi lưu ý là 10% top cấp cao, là quản lý, còn phía dưới là nhân lực hoạt động kỹ thuật, môi giới, phục vụ, dần dần nếu đào tạo tốt thì mức độ thiếu hụt không cao, nhưng đội ngũ quản lý trong các cơ quan nhà nước cũng rất thiếu.

Thứ hai là câu chuyện hướng nghiệp. Hướng nghiệp bắt đầu từ sau trung học cơ sở. Sau trung học cơ sở hết giáo dục bắt buộc, thì người lao động 15 tuổi cũng bước vào lực lượng lao động của quốc gia, một là lên trung học phổ thông, hai là qua trung tâm hướng nghiệp. Áp lực này đổ lên vai các giáo viên, nhưng các nhà giáo dục thì không thể bao quát hết và truyền cảm hứng đầy đủ. Hướng nghiệp nên đến từ doanh nghiệp, đến từ các tổ chức, bằng kinh nghiệm, bằng sự chia sẻ, tâm huyết, thì thế hệ học sinh sẽ nhìn thấy rõ câu chuyện thực tế của ngành và có sự học hỏi nghiêm túc hơn.

Sự hướng nghiệp này cần được làm bài bản hơn, không chỉ sau trung học cơ sở, mà sau cả trung học phổ thông. Hướng nghiệp này phải phù hợp với năng lực, với sở thích, chuyên môn, và sinh viên ra trường có khả năng kiếm tiền hay không. Từ đó, người học mới có khát khao để lao vào học, và họ quyết tâm để đạt được giá trị của mình và hòa vào môi trường đó. Hiện tại, có rất nhiều trường hợp sinh viên ra trường họ không biết vì sao họ lại học lĩnh vực đó, và cũng không biết họ phải làm nghề gì liên quan đến lĩnh vực mình đã học. Và khi đã vào trường học rồi, thì họ mới nhận ra mình thích cái khác chứ không phải là những thức mà các em đang học. Vì thế, nếu chúng ta tạo dựng ngay từ đầu, thì câu chuyện định hướng sẽ tốt hơn và đội ngũ nhân lực cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn.

Thứ ba, chúng ta cần phải xây dựng thành một bộ tiêu chí đầu ra cho các đơn vị đào tạo áp dụng, để đảm bảo chuẩn đầu ra thực sự chất lượng và bài bản. Qua đây, tôi mong muốn chúng ta sẽ xây dựng các hội đồng chuẩn kỹ năng ngành, Hiệp hội và ban chấp hành cùng ngồi lại lấy ý kiến của các đại diện. Sau đó, Hiệp hội sẽ ngồi với các khối bên giáo dục để dựng lên một bộ tiêu chí chuẩn đầu ra cho sinh viên, về tiêu chí, năng lực, đạo đức… để tạo ra được lực lượng nhân lực mà chúng ta mong muốn.

Các doanh nghiệp cũng nên có sự đặt hàng, để nhận được đội ngũ nhân lực tốt hơn, đó là sự chi trả để kết nối liên ngành trong sự đào tạo, phát triển nhân lực bất động sản trong tương lai được tốt hơn.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ BỀN VỮNG

Bước sang phiên thảo luận mở, các diễn giả, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp bất động sản đã cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp, hành động cụ thể nhằm phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bất động sản tại Việt Nam.

Bàn luận cụ thể, các đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đề xuất giải pháp, kỳ vọng đóng góp giúp cho giải quyết thực trạng nhu cầu nhân lực, thực trạng đào tạo nhân lực.

Thứ nhất, các đại biểu đề nghị quan tâm đến đào tạo khởi nghiệp, vì chúng ta không chỉ đào tạo người đi làm thuê, mà phải đào tạo người học kỹ năng đánh giá đa chiều, và năng lực ra quyết định.

Thứ hai, với giải pháp đào tạo khởi nghiệp, doanh nghiệp phải nên trả tiền cho người học làm nghề này. Nếu có trả tiền cho người học nghề thì sẽ có động lực tốt hơn, doanh nghiệp nên có chương trình tài trợ cho người học nghề. Nếu chúng ta tìm được ứng viên tốt, cho các bạn hỏng bổng suốt 4 năm. Song song đó, chúng ta cũng giáo dục nhận thức cho người học.

Doanh nghiệp cũng nên nâng chuẩn tuyển dụng. Doanh nghiệp nên nhìn lại rằng mình chấp nhận chuẩn quá thấp, nên đòi hỏi chuyên môn cao rất khó, nâng chuẩn đầu vào để tìm được nhân sự tốt hơn, và người học nhìn thấy câu chuyện nâng chuẩn đó cũng sẽ tham gia quá trình học nghiêm túc hơn.

Thứ ba là Nhà nước nên xây dựng khung chương trình đào tạo ở 4 cấp. Với mỗi một bậc chúng ta sẽ đào tạo về nhận thức, làm sao cho tất cả người dân trong xã hội nhận thức được vai trò của bất động sản, nhìn nhận đúng đắn để tránh trường hợp bỏ giữa chừng khi học.

Thứ tư là phát triển lực lượng giảng viên về đào tạo bất động sản. Nếu chúng ta xem giáo dục là thị trường, nếu muốn có sản phẩm chất lượng thì người thầy cũng phải chất lượng. Do đó, việc đào tạo giáo viên về bất động sản cũng là giải pháp tốt.

Chúng ta cũng nên xã hội hóa ngân sách nghiên cứu về bất động sản. Doanh nghiệp không chỉ sử dụng nguồn lực, mà nên kết hợp với các tổ chức giáo dục xây dựng quỹ để thực hiện đào tạo tốt hơn. Chúng ta cũng phải chuẩn hóa các chứng chỉ thi vào nghề, ví dụ chứng chỉ môi giới, để chất lượng của các tiêu chuẩn này được tốt.

Các đại biểu cũng đề nghị các Nhà nước quan tâm, xem xét các học phần trong Đại học có thể được nhìn nhận, chứ không phải học Đại học xong cũng không bằng một chứng chỉ 2-3 tháng.

Thứ năm là hình thành diễn đàn trao đổi giáo viên, giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo. Như vậy, giáo viên cũng có cơ hội tiếp cận thực tế, để người học cũng có những tiếp cận thực tế thị trường. Nhà nước nên cho các trường tự chủ chỉ tiêu đào tạo theo các trường, vì nhu cầu nhân sự tùy trường. Các cơ quan đào tạo cũng phải đào tạo đủ cung ứng cho thị trường để cân bằng.

Thứ sáu là phải Marketing, truyền thông cho Liên Chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam, bởi vì thông qua hoạt động này sẽ thấy vai trò và tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực bất động sản trong tương lai./.

Tác giả: Tùng Dương