Ngày đô thị Việt Nam: Nghĩ về đô thị hạnh phúc
04:27 13/03/2018
Thế giới hôm nay đang hướng đến đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị hạnh phúc. Hiệp hội KTS Quốc tế (UIA) cũng đã từng chọn chủ đề “Đô thị lành mạnh - Đô thị hạnh phúc” cho Ngày Kiến trúc Thế giới hàng năm. Vậy thế nào là một đô thị hạnh phúc?
LTS. Từ năm 2008, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 8 tháng 11 hàng năm là Ngày đô thị Việt Nam. Chào mừng Ngày đô thị Việt Nam năm nay, Reatimes xin trân trọng giới thiệu một bài viết tâm huyết của KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.
1. Xét trên tổng thể, đô thị là một tổ hợp vật chất khổng lồ do con người sáng tạo nên, bao gồm kiến trúc công cộng, nhà ở, quảng trường, không gian công cộng, di tích văn hóa lịch sử, hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng kỹ thuật v.v…
Bản chất đô thị luôn tồn tại song song những mặt tốt và góc khuất. Thế nhưng, dù lớn hay nhỏ, cũ hay mới, hiện đại hay chưa hiện đại thì đô thị vẫn luôn có sức hút đặc biệt. Rất nhiều cuộc dịch cư từ nông thôn ra đô thị, hay từ đô thị này đến đô thị khác cũng chỉ để tìm kiếm ở nơi đó một tương lai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn.
Ở Việt Nam, hầu hết các đô thị có lịch sử chỉ hơn trăm năm (không kể Thăng Long, Phố Hiến và Hội An). Về bản chất, sự hình thành đô thị Việt Nam bắt đầu từ những quần cư vốn là làng quê, tụ hội buôn bán chung quanh các trị sở hành chính của chính quyền phong kiến đương thời, thiếu vắng các thiết chế đặc trưng của một đô thị. Chỉ khi người Pháp xuất hiện ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, quy hoạch đô thị kiểu châu Âu mới được áp dụng ở Việt Nam, mà điển hình nhất là Hà Nội (cũ).
Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, đô thị Việt Nam đã có sự lớn mạnh cả về lượng và chất. Hiện nay, ở nước ta có gần 800 đô thị lớn, nhỏ. Trong đó có hai “siêu đại đô thị” là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đứng vào top các thành phố lớn nhất thế giới. Chúng ta không thể phủ nhận sự thay đổi to lớn về diện mạo kiến trúc, về chất lượng sống của đô thị ngày được cải thiện theo hướng văn minh hiện đại, là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhưng bên cạnh đó, đô thị Việt Nam đã bộc lộ những yếu kém bởi tiến trình đô thị hóa nhanh và thiếu kiểm soát.
Như đã nói, đô thị có sức hấp dẫn đặc biệt, là thỏi nam châm khổng lồ cuốn hút ngày càng nhiều dân cư từ vùng nông thôn đổ về. Trong khi đó, do quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập, dự báo phát triển còn khiên cưỡng, duy ý chí, hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị lạc hậu, chậm đổi mới … nên không đáp ứng được sự bùng nổ dân số và nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống.
Một đặc tính cố hữu của đô thị của ta hiện nay là dân cư phân bố không theo quy định của chính quyền, mà tự phát theo kiểu “nước chảy chỗ trũng”, càng khu vực lõi, trung tâm thì mật đô dân số càng cao. Hà Nội là ví dụ điển hình. Thành phố này rộng có đến hơn 3.000 km2, dân số gần 8 triệu người, nhưng chỉ “đặc quánh” trong 60 km2 vùng lõi, bởi đó là trung tâm văn hóa lịch sử, nơi tập trung hầu hết các cơ quan quyền lực của T.Ư và Thành phố, các trung tâm tài chính-thương mại-văn hóa-giáo dục-y tế với hệ thống kỹ thuật hạ tầng khá hoàn chỉnh…, còn lại vùng ngoại vi, nhất là những nơi bán sơn địa, thì rất heo hút, dân cư thưa thớt và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nghèo nàn, thiếu thốn(?!).
Đã có rất nhiều giải pháp, kể cả áp đặt của quyền lực, để giải quyết tình trạng trên. Nhưng thực tế đã chỉ ra rằng, nâng cấp đô thị hoàn toàn không chỉ là bài toán di dân, mở rộng diện tích và xây dựng nhiều kiến trúc lớn. Có thể thấy rõ điều này qua câu chuyện mở rộng địa giới hành chính Hà Nội và giãn dân khu phố cổ. Phải chăng, nếu chúng ta coi sức hút đô thị là một thực tế và xem xét dưới góc độ văn hóa và nhân văn thì hoàn toàn có được những chiến lược lành mạnh để phát triển đô thị bền vững và hạnh phúc.
Sự bùng nổ đô thị thiếu kiểm soát khiến một bộ phận cư dân, đặc biệt là nhóm yếu thế trong xã hội, dễ dàng bị “lãng quên” những quyền lợi tối thiểu được hưởng thụ của đô thị. Các không gian công cộng bị thu hẹp, thậm chí “biến mất” vì lợi ích của một nhóm người và của cả những dự án quy hoạch, dự án đầu tư vô cảm, sặc mùi kim tiền!
Nhiều khu đô thị mới chật cứng các tòa nhà cao tầng, thiếu diện tích công cộng phục vụ cộng đồng, thiếu sân chơi cho trẻ em, nơi nghỉ dưỡng cho người già, cây xanh, vườn hoa và bãi để xe. Các công viên hiện có ít được quan tâm chăm sóc, đầu tư nâng cấp, cải tạo. Các khu vui chơi giải trí thiếu vắng những trò chơi truyền thống phù hợp với đại đa số trẻ em nghèo đô thị, thiếu không gian vui chơi và an toàn. Một bộ phận trẻ em ở các đô thị lớn, các khu đô thị mới ngoài giờ đi học, chỉ biết vùi đầu vào các trò chơi điện tử đầy rẫy hình ảnh sex và bạo lực. Ai dám bảo đảm rằng, tiếp xúc với môi trường như vậy, tâm hồn trẻ thơ không bị vẩn đục?
2. Các nhà đô thị học dự báo, thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị, với hầu hết dân số thế giới sẽ sống trong các đô thị, và đó cũng là tương lai của nhân loại. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Một đô thị hạnh phúc là đô thị mà ở đó, người dân phải được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, như được các dịch vụ công phục vụ, có việc làm với thu nhập tốt, nhà ở giá rẻ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, có không gian xanh, có cuộc sống thân thiện với thiên nhiên, với cộng đồng, an toàn và không bạo lực.
Đô thị hạnh phúc không nhất thiết phải thật to lớn, hoành tráng, kiến trúc thật hiện đại với nhiều cái nhất, như to nhất, cao nhất và cả đầu tư lớn nhất (mà ai đó đang hướng tới). Sẽ có (trong tương lai) những đô thị hạnh phúc kiểu Việt Nam, nhưng ở nhiều cấp độ và khía cạnh khác nhau. Đừng quá tham vọng để đưa đô thị Việt Nam sống tốt dập khuôn theo các khuôn mẫu của đô thị thế giới, bởi tính vận động liên tục của đô thị.
Người Thượng Hải có câu nói hài hước, đại ý:“ Nếu bạn bằng Thượng Hải ngày hôm nay, thì ngày mai (Thượng Hải) chúng tôi đã là một thiên đường khác”. Chúng ta cần tìm ra những giải pháp thích hợp để xây dựng, phát triển một cuộc sống tốt ở đô thị theo nhu cầu, khả năng và phù hợp với điều kiện kinh tế, lối sống, văn hóa của đất nước mình, dân tộc mình.
Đô thị là một cơ thể sống. Nó sinh ra, phát triển và cũng có giai đoạn tàn lụi. Cho nên, muốn đô thị phát triển bền vững và luôn giữ được sức sống, phải có bàn tay chăm sóc của con người (người sử dụng, KTS và người quản lý). Cần coi trọng cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, nơi lưu dấu các thời kỳ phát triển của đô thị. Bởi đây chính là những yếu tố tạo nên giá trị nhân văn và văn hóa mang bản sắc riêng của đô thị.
Có sự khác nhau giữa đô thị Việt Nam và đô thị trên thế giới. Nhưng có một điểm chung, nếu đô thị sống không có hạnh phúc, thì đô thị thực sự trở thành cái nhà tù mà con người tự nguyện nhốt mình vào trong đó.
Văn hóa đô thị luôn là các giá trị vô hình, nhưng có ảnh hưởng rất mạnh đến cá tính, chất lượng sống và hình ảnh đô thị. Phải hiểu để giữ gìn và phát triển văn hóa đó. Chúng ta không chấp nhận một đô thị phát triển xô bồ, hỗn loạn, phá vỡ quy hoạch, bất chấp quy định của pháp luật. Nhưng chúng ta cũng không chấp nhận một đô thị dập khuôn cứng nhắc, ngoại lai.
Với Việt Nam, văn hóa làng đã có hàng nghìn năm, trong khi văn hóa đô thị mới có hơn 100 năm. Do vậy, khi văn minh đô thị còn mong manh, yếu ớt thì văn hóa làng sẽ lấn lướt, mà biểu hiện rõ nét nhất là lối sống “Trọng tình hơn lý” và cung cách quản lý đô thị tùy hứng, thậm chí còn theo kiểu “Phép vua thua lệ làng”.
Do cái nền văn hóa đô thị còn thấp, nên người dân khi ra đường tham gia giao thông thì phóng nhanh, vượt ẩu, gây hỗn loạn là chuyện thường; ở chung cư cao tầng mà coi cái thang máy như của riêng nhà mình, nên ở khu Đặng Xá, có người đã hồn nhiên ngày ngày phi xe máy vào buồng thang máy để lên căn hộ của mình trên tầng cao cho khỏi mất phí gửi xe. Chuyện thật mà cứ như là…đùa (?!).
Để đô thị sống tốt, trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải xây dựng được lối sống văn hóa, văn minh đô thị với sự chung tay của cả cộng đồng. Kiến trúc sư có vai trò tham gia.
Thiết nghĩ cũng nên bớt tranh cãi về xu hướng này nọ của kiến trúc đô thị. Bởi nghĩ cho cùng ở khía cạnh nào đó, kiến trúc cũng mang tính thời trang. Cần quan tâm, kiến trúc đó có góp phần nâng cao giá trị văn hóa và thẩm mỹ đô thị; có vi phạm quản lý quy hoạch xây dựng; có bền vững, an toàn; có đem lại thuận tiện và tiện nghi, hay bất ổn cho cá nhân và cộng đồng khi sử dụng nó hay không?
Đô thị luôn gắn với con người, do vậ, nó phải rất nhân văn. Đô thị không nhất thiết phải là một chỉnh thể ngăn nắp, tinh tươm như cỗ máy được lập trình. Đô thị luôn chứa đựng những mặt tốt và cả những yếu kém cần khắc phục, cải tạo. Kiến trúc sư như một nhà phẫu thuật thẩm mỹ làm cho cơ thể đô thị hoàn chỉnh hơn, nhưng không được tác động một cách thô bạo, làm mất đi bản sắc đô thị. Nếu không, đô thị sẽ trở thành một cơ thể bệnh hoạn.
Cũng tránh tư tưởng vội vàng đốt cháy giai đoạn, cần có kế hoạch và thời gian tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tự giác chung tay xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.
Văn hóa đô thị không tự đến. Văn hóa đô thị được hình thành bởi lối sống thích nghi với thiết chế đô thị, chứ không phải là thiết chế làng xã. Văn hóa đô thị phải được xây dựng trên nền tảng của di sản văn hóa và cuộc sống hiện đại. Các nhà quản lý đô thị trước tiên phải là những người hiểu biết văn hóa đô thị, để thể hiện có trách nhiệm vai trò quản trị xã hội của mình.
Hiện nay, quy hoạch đô thị Việt Nam đang có tình trạng copy lại mô hình của nhau, khiến cho đô thị vùng trung du, miền núi… giống các đô thị ở đồng bằng, ven biển, trong khi cảnh quan, địa hình thiên nhiên, con người với tập tục, văn hóa, lối sống khác nhau. Nếu như ở đồng bằng Bắc bộ, đô thị với những thiết chế cộng đồng có cấu trúc chặt chẽ, thì ở phía Nam, cấu trúc đô thị mang tính mở, thể hiện bản sắc phóng khoáng, dễ hòa đồng và đón nhận của người dân một thủa đi mở cõi, của vùng đất mênh mang sông nước Cửu Long. Tất cả những yếu tố đó tạo thành bản sắc riêng và ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị. Và vì thế, sẽ có nhiều lời giải khác nhau cho bài toán quy hoạch đô thị bền vững ở nước ta.
3.Đô thị là tấm gương phản ánh của thời đại. Qua tấm gương ấy, người ta hiểu được xã hội đó đang phát triển như thế nào. Một đô thị với kiến trúc phi tỷ lệ, khấp khểnh, nhô ra thụt vào, cao thấp hỗn loạn; giao thông đường phố luôn ùn tắc; môi trường sống bị ô nhiễm bởi khí thải, chất thải, bụi bẩn, tệ nạn và bạo lực... thể hiện một xã hội thiếu kỷ cương, luật pháp bị coi thường. Các nhà quản lý cần quan tâm đến vấn đề cốt lõi là xây dựng thiết chế văn hóa và nâng cao chất lượng sống đô thị. Không nên áp đặt cào bằng, mà cần tổ chức đô thị theo nhiều cấp độ đa dạng, phù hợp với nhiều tầng lớp, nhóm cư dân có thu nhập khác nhau.
Với nhóm người giầu có, mức sống cao, sẽ cung cấp các tiện nghi cao cấp như nhà ở biệt thự, bể bơi… Nhưng với đại đa số người thu nhập thấp, người nghèo, thì những khu nhà ở xã hội thuê-mua giá rẻ, việc làm ổn định, dịch vụ công phục vụ tốt, giao thông thuận tiện, không gian công cộng an toàn, thậm chí là những vỉa hè thông thoáng… cũng đã là hạnh phúc.
Thành phố sẽ có rất nhiều, rất nhiều ô tô đời mới, nhà hàng sang trọng, các trung tâm thương mại, siêu thị đầy ắp hàng hóa đắt tiền…nhưng sẽ không thiếu vắng các hoạt động bình dị của đời sống với những chợ dân sinh truyền thống (chứ không phải chợ cóc, chợ tạm), những gánh hàng rong, những người bán dạo với tiếng rao da diết gọi mời…
Đó chính là cuộc sống, là hơi thở của đô thị mang bản sắc Việt Nam. Áp đặt khiên cưỡng các suy nghĩ kiểu hàn lâm khuôn mẫu, sẽ khiến đô thị của chúng ta trở nên khô cứng, vô hồn.
Và “Đô thị Hạnh phúc” chính là mục tiêu để chúng ta hướng tới!