Cư trú tách biệt

04:17 10/01/2019

Khi đô thị phát triển với quy mô dân số ngày càng đông và thành phần ngày càng phức tạp, người ta dần dần phát hiện ra hiện tượng các nhóm cư dân khác nhau trong cộng đồng cứ tách dần nhau ra, cư trú ở những nơi riêng biệt. Đô thị càng phát triển, hiện tượng đó càng rõ nét.

Vài năm nay, câu chuyện ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành phát biểu về việc "phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu", lâu lâu lại có người nhắc lại để... chửi!

Tôi đã bình tĩnh đọc đi đọc lại các bài báo về vụ này, thì thấy ông này nói hơi thô, thậm chí dùng từ "cách ly" gây phản cảm quá. Thế nhưng, về lý luận và thực tế thì ông Đực không sai, dù chắc là ông ta chưa biết đến quy luật "cư trú tách biệt" trong xã hội học đô thị.

Theo các nhà sử học đô thị đã có quá trình hình thành và phát triển trên dưới 8000 năm. Khi đô thị phát triển với quy mô dân số ngày càng đông và thành phần ngày càng phức tạp, người ta dần dần phát hiện ra hiện tượng các nhóm cư dân khác nhau trong cộng đồng cứ tách dần nhau ra, cư trú ở những nơi riêng biệt. Đô thị càng phát triển, hiện tượng đó càng rõ nét.

Cư trú tách biệt là một thuật ngữ của xã hội học đô thị, chỉ hiện tượng những nhóm người do sự phân tầng xã hội khác nhau mà cư trú ở những khu vực khác nhau trong cùng một đô thị. Đó là một trong những hiện tượng tạo nên sinh thái học đô thị.

Hiện tượng cư trú tách biệt định hình và biến đổi các mô hình theo sự phát triển của đô thị.

Gần đây đã xuất hiện khái niệm “thành phố ngủ” để chỉ các đô thị vệ tinh (ảnh minh họa)

Gần đây đã xuất hiện khái niệm “thành phố ngủ” để chỉ các đô thị vệ tinh (ảnh minh họa)

Người ta cho rằng quá trình lớn lên về không gian của một đô thị có thể theo ba hướng khác nhau. Hướng thứ nhất là phát triển theo các tuyến giao thông. Đây là hướng phát triển mang tính cổ điển của đô thị, khi mà đô thị chủ yếu được hình thành theo các tuyến buôn bán. Theo hướng này mô hình cư trú tách biệt được hình thành theo cự ly cách xa tuyến giao thông của các tầng lớp dân cư. Tầng lớp thượng lưu là những người cư trú gần đường giao thông nhất, theo đó, cự ly cách đường giao thông tỷ lệ nghịch với đẳng cấp xã hội của người cư trú.

Nhà ở càng xa đường địa vị xã hội càng thấp. Hướng phát triển thứ hai của đô thị là theo các vòng tròn đồng tâm. Theo đó, từ một khu vực ban đầu đô thị cứ rộng dần ra vùng ngoại vi bốn xung quanh, mà dấu vết dễ nhận biết là các con đường vành đai. Ở hướng phát triển này, tầng lớp thượng lưu chiếm khu trung tâm, các tầng lớp khác theo thứ tự đẳng cấp mà cách dần khu trung tâm. Một biến thể khác kết hợp cả hai hướng phát triển nói trên là kiểu hình rẻ quạt. Theo đó, từ trung tâm có các tuyến giao thông xuyên ra vùng ngoại vi. Các tầng lớp xã hội theo đẳng cấp từ cao đến thấp, lần lượt xa dần khu trung tâm và các tuyến đường rẻ quạt. Đó là ba mô hình tương đối rõ nét và phổ biến. Ngày nay khi các đô thị lớn chọn cho mình mô hình phát triển theo kiểu hạt nhân - vệ tinh, thì các mô hình trên đây càng có nhiều biến thể đa dạng hơn.

Thậm chí, gần đây đã xuất hiện khái niệm “thành phố ngủ” để chỉ các đô thị vệ tinh, nơi yên tĩnh và đầy đủ tiện nghi để cho tầng lớp thượng lưu nghỉ ngơi, sau đó vào khu trung tâm làm việc. Dĩ nhiên, cư dân đô thị là một cộng đồng có tính cơ động xã hội cao, nên đương nhiên cũng có tính cơ động nhà ở cao. Luôn luôn có hiện tượng người có địa vị xã hội thấp nhưng do nhiều nguyên nhân có nhà ở khu trung tâm bán nhà ra khu ngoại ô. Ngược lại có những người giàu lên chuyển nhà vào các khu xứng đáng hơn với địa vị mới của họ. Đó là một quá trình “lọc” hợp quy luật. Tuy nhiên, trong đô thị, nhất là các đô thị lớn vẫn thường tồn tại một tầng lớp dưới tìm mọi cách cư trú, họ không có cách nào khác ngoài sự lựa chọn phương thức cư trú bất quy tắc, hoặc bất hợp pháp, mà dân gian vẫn gọi là các “xóm nước đen”, “khu ổ chuột”, hoặc “xóm liều”.

Cư trú tách biệt không đơn thuần chỉ là hiện tượng về nhà ở, nó là sự phản ánh một cách sinh động và sâu sắc sự phân tầng xã hội, trên cả ba khía cạnh: địa vị kinh tế (tài sản, thu nhập); địa vị chính trị (quyền lực) và địa vị xã hội (uy tín). Theo đó, xã hội càng phân tầng sâu sắc thì hiện tượng cư trú tách biệt càng rõ nét. Có lẽ đó cũng là một lý do khiến cho các nhà xã hội học Pháp từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã đề xuất khái niệm “giai cấp nhà ở”.

"Cư trú tách biệt" là một quy luật. Nhà nước cần vận dụng quy luật đó để quy hoạch đô thị một cách hợp lý, hài hòa. Các doanh nghiệp bất động sản đương nhiên là họ đã biết vận dụng để xây dựng các khu nhà phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Còn chúng ta, những cư dân mạng, thì cũng nên bình tĩnh, đừng cứ nghe chối tai một tý thì sửng cồ lên. Các bạn hãy chú ý quan sát xung quanh mình xem có đúng như tôi nói không? Riêng bản thân tôi, cũng thòm thèm nhà mặt phố, cũng say đắm các biệt thự trong khu đô thị mới, nhưng đành lòng vậy, cầm lòng vậy. Vì, không đủ tiền...

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: noitoisong2018@gmail.com

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại đây.

Tác giả: Phạm Xuân Cần