Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nơi đồng hành, đối thoại, tháo gỡ khó khăn chính sách cho doanh nghiệp
06:15 26/05/2022
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam không chỉ là sân chơi, cầu nối giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp mà còn là nơi chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc chính sách cho doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Trải qua 20 năm với biết bao biến động, thăng trầm, nhưng trong hoàn cảnh nào Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng có những đóng góp to lớn cho việc hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến thị trường và đồng hành cùng sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các hội viên về những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi chính sách pháp luật, Hiệp hội đã thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Đây cũng là mục tiêu mà Nhà nước luôn yêu cầu đối với các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội. Với tầm quan trọng đó, VNREA đã tổ chức, tham gia nhiều hội thảo, diễn đàn, đặc biệt tham gia trực tiếp trong ban soạn thảo, tổ biên tập các chính sách do Bộ Xây dựng đứng ra chủ trì. Cũng tham gia cùng các các bộ, ngành khác khi có thông tư về thuế, tài chính, đất đai… Hiệp hội là nhân tố số một đóng góp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất, đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật góp phần minh bạch hóa, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững. Cụ thể, Hiệp hội đã có hơn 100 văn bản với 36 nhóm vấn đề có nội dung liên quan đến: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… và đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, về công khai minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến Nghị định số 68/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015; Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 về hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (có hiệu lực 1/7/2015) với nhiều điểm mới “Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản”, hợp đồng và chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đều được bộ, ngành và Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị giải pháp tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh đối với thị trường bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và được Chính phủ chỉ đạo giao các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, giải quyết.
Hiện nay, Hiệp hội cũng đang phối hợp với Tổng cục Quản lý Đất đai – Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng tổ chức xin ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
Trong thời gian tới, trước những biến động của địa chính trị, thay đổi của kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế, chuyển đổi công nghệ số, thị trường bất động sản sẽ có những tác động nhất định và doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ chuyển mình để thích nghi và hội nhập. Do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục là “cầu nối”, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường bất động sản Việt Nam, truyền tải đến cơ quan quản lý Nhà nước nhằm phát huy tối đa nhất trách nhiệm và nghĩa vụ, tham mưu gửi ý kiến đề xuất, đóng góp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp tin tưởng ở Hiệp hội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw chia sẻ:
Thời gian vừa qua, tôi đã có dịp được đồng hành cùng những hội thảo, toạ đàm gỡ khó cho thị trường của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Tôi nhận thấy Hiệp hội đã thực sự làm tốt vai trò, chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các đơn vị hội viên về những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi chính sách pháp luật, Hiệp hội đã nghiên cứu và tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương như: Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản...
Tôi cho rằng hoạt động này hết sức có ý nghĩa với các doanh nghiệp, thể hiện tinh thần lắng nghe, gỡ khó cùng doanh nghiệp. Vai trò của Hiệp hội trong thời gian qua đối với quyền lợi của hội viên đã phát huy rất tốt. Đây là yếu tố khẳng định việc hội viên ngày càng tin tưởng hơn đối với Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng thể hiện việc sẵn sàng đồng hành tham mưu với các bộ, ngành, Chính phủ trong công tác xây dựng Luật sao cho thực tế, đúng và trúng.
Trong các giai đoạn khó khăn của thị trường, được biết, Hiệp hội cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gồm các giải pháp về tài chính tín dụng, giải pháp về cơ chế chính sách và các giải pháp về thuế. Tôi và nhiều chuyên gia cũng được mời tới tham dự để chia sẻ và đóng góp ý kiến. Cùng với đó, Hiệp hội đã tập hợp các ý kiến một cách đầy đủ, công khai để gửi tới các bộ, ngành và Chính phủ.
Từ những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe và từ đó đưa ra nhiều các quyết định, các chính sách như triển khai chương trình nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, triển khai các gói tài chính kích cầu sản xuất, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cấp phép xây dựng; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, từng bước xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh minh bạch... Ngoài ra, nhiều kiến nghị của Hiệp hội hiện vẫn đang được cơ quan chức năng nghiên cứu để đề xuất chính sách.
Cùng với với vai trò quy tụ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau để thông qua các hội thảo, toạ đàm… có thêm nhiều ý kiến chuyên môn đóng góp cho thị trường bất động sản, là một Luật sư, tôi luôn mong muốn đóng góp những ý kiến của mình vào các cuộc hội thảo, toạ đàm, hội nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức để phần nào có thể góp tiếng nói chung với Hiệp hội nhằm hướng tới xây dựng một thị trường bất động sản bền vững.
Đơn vị định hướng hoạt động của doanh nghiệp
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch chia sẻ:
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh thị trường bước vào thời kỳ “sôi sục” nhất. Lúc này, xu thế thị trường đòi hỏi bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, rất cần có một tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản, điều tiết và định hướng sự phát triển.
Với đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, có tâm với thị trường bất động sản và sự năng nổ, nhiệt tình của các hội viên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc góp ý xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động bất động sản.
Không chỉ góp ý xây dựng, đề xuất các chính sách bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các thành viên, Hiệp hội còn có những đề xuất, kiến nghị, sáng kiến nhằm làm trong sạch thị trường bất động sản, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của khách hàng khi tham gia vào lĩnh vực này và góp phần vào việc kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.
Theo cá nhân tôi, kết quả đạt được của Hiệp hội trong 20 năm qua đã góp phần tạo động lực cho thị trường phát triển bền vững, đồng thời cũng thấy được vai trò, vị trí của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong việc điều tiết, định hướng và làm minh bạch thị trường, bên cạnh các chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Với chức năng của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, là nơi quy tụ các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam hiện nay, tôi mong muốn trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục thể hiện vai trò là đơn vị định hướng hoạt động cho các hội viên nói riêng và thị trường bất động sản nói chung, hướng tới sự minh bạch trong thị trường.
Hiệp hội với vai trò xã hội của mình sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo, góp ý xây dựng chính sách pháp luật, tham mưu cho các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về bất động sản ngày một hoàn thiện, cùng với Nhà nước và toàn xã hội xây dựng thị trường theo tiêu chí an toàn, minh bạch và lợi ích.
Nhìn từ hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, theo tôi, thời gian tới, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên giao một phần công tác tham mưu, góp ý xây dựng chính sách pháp luật cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp có chuyên môn sâu, bởi khi đó sẽ tận dụng được chất xám của xã hội và quan trọng hơn, những kiến nghị, đề xuất xây dựng pháp luật thường xuất phát từ thực tiễn hoạt động ngay từ chính các tổ chức này.
Những khó khăn, vướng mắc của thị trường đầu tư nói chung, bất động sản nói riêng sẽ dễ dàng được tháo gỡ. Việc này giúp hạn chế được rất nhiều những “quy định trên trời”, những quy phạm pháp luật chưa ban hành đã "chết yểu", các chính sách ban hành nhưng không được thực thi trên thực tế./.