Hội viên luôn đặt niềm tin mạnh mẽ vào vai trò của VNREA

06:09 08/06/2022

Trong hơn 20 năm qua, VNREA đã thể hiện đầy đủ vai trò của mình là sân chơi, cầu nối giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp mà còn là chỗ dựa, là nơi phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp.

Được thành lập vào ngày 13/8/2002, đến nay Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã trải qua 20 năm xây dựng, phát triển và được đánh giá là một trong những hội nghề nghiệp có hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả bậc nhất trong cả nước.

Trước thềm Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027) được tổ chức vào ngày 8 - 9/6/2022, nhiều đơn vị thành viên đã có những chia sẻ về vai trò và những đóng góp của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Vai trò đóng góp, phản biện chính sách vô cùng to lớn

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản:

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã trải qua 20 năm hình thành và phát triển. Trong suốt hành trình đó, Hiệp hội đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc góp phần định hướng thị trường bất động sản Việt Nam phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và ổn định.

Ngoài việc chăm lo bảo vệ lợi ích và phát triển Hội viên, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã quy tụ được đông đảo chuyên gia đầu ngành tham gia vào việc phản biện, xây dựng và định hình chính sách cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và ngày càng hoàn thiện theo nhịp phát triển chung của các nước quanh khu vực.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam “như cánh tay nối dài, như tai như mắt” giúp Chính phủ và các Bộ ban ngành lan tỏa thông tin, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước đến với các hội viên, đồng thời Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nắm bắt được diễn tiến hoạt động, từng nhịp đập trên thị trường bất động sản để phản hồi với các cơ quan chức năng về tác động của các chính sách cũng như những sự thay đổi trên thị trường để Nhà nước điều chỉnh, xây dựng các chính sách phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đó là vai trò vô cùng to lớn, không thể thay thế bởi bất cứ tổ chức kinh tế, xã hội nào trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của Hiệp hội bất động sản Việt Nam vào việc phản biện và xây dựng chính sách cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, để những chính sách pháp luật trong lĩnh vực bất động sản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của xã hội, tránh chồng chéo khi thực thi và nhanh chóng lỗi thời như trước đây, tạo tiền đề để ngành bất động sản tham gia đóng góp thiết thực hơn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Trên nền tảng những thành quả đã đạt được trong 20 năm qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cần định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới với nhiều trách nhiệm và sứ mệnh lớn lao hơn, phải quy tụ được đông đảo hội viên hơn, trao nhiều giá trị hơn cho hội viên nhưng đồng thời phải định hướng hội viên tham gia đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản và thực hiện nhiều hơn trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội và cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Vinh dự và tự hào khi là thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hoà:

Trong giai đoạn của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung trước đây, thị trường bất động sản chưa có điều kiện phát triển nhưng khi chuyển sang thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường thì thị trường bất động sản tại Việt Nam đã từng bước hình thành và phát triển với tốc độ nhanh, đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trong hơn 3 thập kỷ thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm cảm xúc. Khi Luật Đất đai ra đời năm 1993 thì thị trường bất động sản mới được định hình rõ ràng, nhưng khi chưa kịp định hình thì bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Tài chính tiền tệ châu Á lan ra toàn khu vực, kéo chỉ số giá bất động sản hầu hết các quốc gia sụt giảm thê thảm vào giai đoạn năm 1997. Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thể kỷ 21, Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế. Đặc biệt vào năm 2001 Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại Việt Mỹ giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt. GDP đạt 6,79% – 6,89% – 7,04% – 7,24% lần lượt các năm 2000, 2001, 2002.

Thị trường bất động sản đã chuyển mình vào năm 2000 và tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2001 - 2002. Khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam đánh dấu sự ra đời của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA).

Nếu nói về Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ có thể là “Real Estate and More”. Không chỉ là một tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam mà còn là nơi mang lại những giải pháp cho những vấn đề liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thị trường bất động sản từ đất đai đến tài chính, quy hoạch, xây dựng, kiến trúc... Vì đội ngũ lãnh đạo của Hiệp Hội phần lớn đều là các nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, do đó, ngoài lĩnh vực bất động sản thì VNREA còn là một thư viện kiến thức khổng lồ.

Cũng như các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường, sự vận hành của thị trường bất động sản cũng chịu tác động của các quy luật kinh tế khách quan. Đến nay đã trải qua 20 năm chứng kiến nhiều sắc thái cũng có thể nhận thấy Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của thị trường. Minh chứng là Hiệp hội đã có hơn 100 văn bản với 36 nhóm vấn đề có nội dung liên quan đến: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… và đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực xã hội, về công khai minh bạch, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến Nghị định số 68/NĐ-CP sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015; Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 về hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 (có hiệu lực 1/7/2015) với nhiều điểm mới “Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản”, hợp đồng và chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đều được bộ, ngành và Chính phủ lắng nghe, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, trong những năm qua việc mở rộng phát triển hội viên tại các tỉnh thành với tiêu chí chất lượng hơn số lượng cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của hiệp. Đồng thời cũng cho thấy sự tín nhiệm của các hội viên khi tham gia vào Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Trong đó, Hội môi giới Bất động sản Khánh Hòa rất vinh dự và tự hào khi nằm trong hệ sinh thái đa dạng của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam từ năm 2015./.

Tác giả: Reatimes