Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp đoàn khách Nhật Bản

17:35 02/12/2019

Chiều 2/12/2019, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có buổi gặp mặt với đoàn đại diện của Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản (MLIT) cùng đại diện một số công ty xây dựng Nhật Bản.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chủ trì buổi tiếp đón. Cùng tham dự buổi làm việc có ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và một số đại diện doanh nghiệp thành viên như Tập đoàn CEO, Viglacera, Geleximco, HD Mon, Eurowindow, PMC...

Về phía Nhật Bản, trưởng đoàn đại diện là ông Shirahama Manabu, Cục Đô thị thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản (MLIT) và đại diện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.

Mở đầu buổi làm việc, ông Shirahama Manabu cho hay: "Đây là lần thứ 2 chúng tôi đến làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Trước đó, chúng tôi đã tìm hiểu được nhiều thông tin về thị trường bất động sản Việt Nam. Chúng tôi cũng đã cùng đoàn khảo sát của J-CODE đến và tìm hiểu thêm về các dự án bất động sản Việt Nam. Buổi làm việc hôm nay, chúng tôi rất mừng vì có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi rất mong qua buổi làm việc này, hai bên có thể trao đổi và nhìn nhận những cơ hội hợp tác mới".

Ông Shirahama Manabu, Cục Đô thị thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản (MLIT)

Tiếp đó, từng đại diện doanh nghiệp của Nhật Bản đã chia sẻ thông tin về doanh nghiệp mình và những hoạt động của họ tại Việt Nam. Trong đó có đại diện các doanh nghiệp như Fujita, Mitsubishi, Mizuho Bank, Takara Leben CO... cùng các công ty tư vấn.

Thay mặt Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho hay: "Đa phần các doanh nghiệp Nhật Bản có mặt tại đây đều đã có kinh nghiệm phát triển các dự án bất động sản tại Việt Nam. Chuyến thăm và làm việc của các bạn cách đây 2 tháng và hôm nay đều đúng thời điểm, vào giai đoạn các đoàn khách quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đến khảo sát".

Theo đó, ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ, thị trường bất động sản Việt Nam ở ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đều có tiềm năng rất tốt. Tại thời điểm này, Việt Nam có khoảng 97 triệu dân trong đó có 37% dân sống ở đô thị. Cùng với việc công nghiệp hoá đất nước và đô thị hoá diễn ra nhanh chóng, mỗi năm dự kiến sẽ tăng 1 triệu dân từ đô thị ra thành phố sinh sống và làm việc. Nhu cầu nhà ở cao cấp, bình dân và giá rẻ vẫn lớn. Tổng điều tra dân số cho thấy diện tích nhà ở/người vẫn còn rất thấp.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam chia sẻ tại Hội thảo

Việt Nam đang có chiến lược đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khách du lịch không ngừng tăng, theo đó bất động sản du lịch đang phát triển mạnh mẽ. Bởi ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có tăng trưởng đột biến, FDI thu hút vào bất động sản 10 tháng qua vào khoảng 2,98 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng, do đó tầng lớp trung lưu có thu nhập khá ngày càng lớn.

Ngoài ra, tâm lý của người Việt Nam là muốn sở hữu một căn nhà của riêng mình chứ không muốn thuê. Do vậy, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng rất tốt.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam chia sẻ: "Thị trường Việt Nam hiện nay kiểm soát chặt dòng vốn đổ vào bất động sản. Đây là thời cơ cho các bạn cũng như các dòng vốn khác đầu tư vào Việt Nam. Theo đó, khả năng liên doanh liên kết, mua lại các doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm này là rất tốt cho các bạn".

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam để phía đoàn Nhật Bản có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc hợp tác.

Cụ thể, Tập đoàn Viglacera có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện nay, Tập đoàn này đang sở hữu khoảng 11 khu công nghiệp trên khắp lãnh thổ Việt Nam, đồng thời cũng sở hữu nhiều diện tích đất tại Hà Nội có thể làm văn phòng, khu thương mại...

Cùng với đó, Tập đoàn CEO là một trong những tập đoàn mạnh về bất động sản du lịch, sở hữu nhiều quỹ đất lớn tại những vùng đất có tiềm năng du lịch như Phú Quốc, Vân Đồn... Tập đoàn Eurowindow có nhiều quỹ đất phát triển các dự án tại Khánh Hoà và là một trong những nhà phát triển vật liệu xây dựng từ kính bậc nhất tại Việt Nam. Hay Tập đoàn HD Mon cũng sở hữu nhiều quỹ đất tại nội - ngoại thành Hà Nội, Quảng Ninh để phát triển các dự án nhà ở...

Chia sẻ về nhu cầu tìm kiếm đối tác, đại diện đoàn Nhật Bản cũng cho biết có hai loại hình họ hướng đến để tìm kiếm phát triển các dự án nhà ở. Một là các dự án quy mô nhỏ khoảng từ 0,5 - 5ha, với quy mô vốn khoảng 200 triệu USD. Thứ hai là dự án trung bình ngoài vùng ven Hà Nội, cách trung tâm khoảng 30km để phát triển các dự án nhà ở, dự án phức hợp; quy mô trên 5ha, vốn khoảng 200 - 300 triệu USD.

Về điều kiện đất đai, doanh nghiệp Nhật Bản muốn tham gia vào các dự án đã có quy hoạch và có phát triển trong tương lai. Dự án có thể xây dựng và phát triển trong một vài năm tới chứ không mất quá nhiều chi phí và thời gian vào giải phóng mặt bằng.

Hình thức đầu tư có thể là 2 đơn vị Nhật Bản và Việt Nam (tư nhân hoặc nhà nước) cùng lập liên doanh phát triển dự án với các hoạt động san nền, xây nền móng, xây dựng toà nhà... "Sau khi trao đổi các thông tin, chúng tôi sẽ xác minh và tiến hành hợp tác với phía doanh nghiệp Việt Nam", đại diện đoàn Nhật Bản cho hay.

Kết thúc buổi gặp mặt, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam phát biểu: “Sau những giới thiệu ban đầu, hai bên đã có những hiểu biết nhất định về từng doanh nghiệp. Tiếp sau buổi gặp hôm nay, các doanh nghiệp phía Nhật Bản có thể xúc tiến gặp mặt với từng doanh nghiệp Việt Nam theo như kế hoạch để có những tìm hiểu sâu và chi tiết hơn để tiến tới hợp tác lâu dài”.

Tác giả: An Vũ - Ảnh: Phạm Lượng